Báo cáo về việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế gửi Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số tiền lãi đầu tư từ quỹ này giai đoạn 2016-2018 ước đạt xấp xỉ 8.400 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Báo cáo của Chính phủ nêu thông tin, đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm y tế là 81,2 triệu người, tăng khoảng 5,3 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 103,78% so với kế hoạch Chính phủ giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,9% dân số, vượt 4,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao.
Về cân đối quỹ, Bộ trưởng Tiến cho hay, thu tiền đóng dự toán được giao 81.100 tỷ đồng; ước thực hiện thu đạt 81.500 tỷ đồng, bằng 100,5% so với dự toán.
Dự toán chi được giao tổng số là 91.200 tỷ đồng, nếu trừ khoản 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh dự kiến là 630 tỷ đồng, thì dự toán chi năm 2017 được giao là 90.500 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 88.600 tỷ đồng, giảm gần 1.900 tỷ đồng (2,1%) so dự toán.
Theo báo cáo, số dư quỹ đến 31/12/2017 là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, trong đó số kết dư để lại địa phương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an còn dư là 2.030 tỷ đồng. Số dư quỹ dự phòng là gần 38.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ quỹ bảo hiểm y tế được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư theo các hình thức quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư cụ thể hàng năm do Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 điều 35 Luật Bảo hiểm y tế.
Tỷ trọng số dư vốn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ đạt bình quân 82%, gửi tiền, mua trái phiếu tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt bình quân là 18%.
Theo đó, số tiền lãi đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018 ước đạt gần 8.400 tỷ đồng (năm 2016 là 3.000 tỷ đồng, năm 2017 là 2.600 tỷ đồng, năm 2018 là 2.800 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền lãi thu được giai đoạn 2016-2018 bình quân 6,9% tính trên số dư nợ đầu tư, trong đó, lãi đầu tư bình quân năm 2016 là 7,23%, năm 2017 là 7,25% (chỉ số trượt giá năm 2016 là 2,66%; năm 2017 là 3,53%).
Như vậy, lợi suất đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế cao hơn so với chỉ số trượt giá, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Toàn bộ số tiền lãi thu được hàng năm được hạch toán vào quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung, báo cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc gửi tiền được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các ngân hàng thương mại này chỉ nhận gửi tiền ở mức thấp và thời hạn ngắn dưới 6 tháng nên lãi suất gửi tiền rất thấp (bình quân 5%/năm), chỉ bằng 64% so lãi suất cho ngân sách nhà nước vay và bằng 71% so với lãi suất trái phiếu Chính phủ. Theo đó, hoạt động đầu tư quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, có những thời điểm số tiền tạm thời nhàn rỗi chưa được đầu tư kịp thời.
Đề cập một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ, Bộ trưởng Tiến nêu, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% lương phù hợp với mức giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp. Khi mức giá tính thêm tiền lương theo lộ trình thì phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế và Luật Bảo hiểm y tế đã quy định tối đa 6% lương.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế do đó phải điều chỉnh mức giá của một số dịch vụ để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế cho đến năm 2020.
Theo P.Thảo/Dân trí