Từ 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ 10% tiền đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Lợi ích lâu dài mọi người đều nhìn thấy rất rõ, nhưng vì sao người lao động vẫn thờ ơ và làm gì để thu hút họ vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.
Người lao động tự do vẫn không mấy quan tâm tới BHXH tự nguyện
Sự thờ ơ đáng ngại
Theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính hết quý III/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,97 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ có 241.000 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,93 triệu người; tham gia bảo hiểm y tế là 81,76 triệu người, tỷ lệ bao phủ là 87,25% dân số.
Tuy nhiên, so với con số trên 35 triệu người lao động ở khu vực phi chính thức (lao động tự do), thì số người tham gia BHXH tự nguyện là quá thấp. Đáng lưu ý, trong số 241.000 người tham gia BHXH tự nguyện thì có tới hơn 60% đã tham gia BHXH bắt buộc nên tiếp tục đóng để đủ thời gian hưởng lương hưu. Điều đó có nghĩa, có đến hơn 90% lao động phi chính thức không tham gia BHXH tự nguyện.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện là vì công việc tự do, việc làm và thu nhập bấp bênh, không có tích lũy ổn định để tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, bản thân những người lao động ở khu vực phi chính thức rất hạn chế về kiến thức, mà thủ tục đóng - hưởng lại rất phức tạp, nhiều giấy tờ nên họ ngại. Một nguyên nhân khác khiến chính sách ưu việt này không thể bao phủ được đến đông đảo người lao động, đặc biệt là nông dân, là do thiếu thông tin nên cho rằng, chính sách không phù hợp với nhu cầu và thu nhập.
Nhiều thiệt thòi khi không tham gia
Không ít người lao động tự do và nông dân mong muốn có được khoản trợ cấp để ổn định lúc về già, về nguyên tắc BHXH tự nguyện đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, thực tế lại rất ít người lựa chọn vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như: Thu nhập không ổn định, lương thấp lại phải đóng bảo hiểm cao, ngoài ra còn lo ngại các loại thủ tục, giấy tờ rườm rà… nên nhiều người quyết định không tham gia. Nhưng chẳng may bị ốm đau, bệnh tật… phải đi bệnh viện họ mới thấy thiệt thòi khi không tham gia loại hình bảo hiểm này.
Các chuyên gia cho rằng, để chính sách BHXH tự nguyện thực sự được người lao động quan tâm, các cơ quan cần điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tế, hài hòa với lợi ích của người tham gia bảo hiểm… để người lao động thấy được lợi ích lâu dài của loại hình bảo hiểm này thiết thực và cần thiết với tất cả mọi người... |
Anh Nông Thanh Tùng - 35 tuổi quê ở Thái Bình một lao động tự do, thu nhập bình quân mỗi tháng được 5 triệu đồng/tháng. Nếu chọn mức thu nhập này để đóng BHXH tự nguyện mỗi tháng anh mất khoảng 800 nghìn đồng (tương đương 23 - 24% thu nhập). Đắn đo mãi anh quyết định không tham gia, vì theo anh Tùng sau vài chục năm đóng bảo hiểm đến khi đủ để nhận chế độ bảo hiểm thì cũng không hơn gì gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào làm ăn một việc gì đó…
Còn anh Nguyễn Hoàng Hùng - 43 tuổi quê ở Vĩnh Phúc đang làm nghề xe ôm bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, gãy tay phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Khi làm thủ tục nhập viện anh mới thấy hối tiếc vì đã không tham gia BHXH để được hưởng bảo hiểm y tế, bởi chi phí khám chữa bệnh, viện phí, thuốc thang… khá cao. Người nhà của anh Hùng cho biết, do công việc không ổn định, mua bảo hiểm tự nguyện lại cao nên anh đã không mua, nhưng khi xảy ra tai nạn phải điều trị dài ngày mới thấy thiệt thòi đủ đường.
Qua hai trường hợp trên, có thể thấy rõ, việc không tham gia BHXH tự nguyện gây nhiều thiệt thòi với người lao động. Dù biết tầm quan trọng, nhưng nhiều người vẫn thờ ơ của loại hình bảo hiểm này, bởi suy nghĩ càng giảm chi phí phát sinh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Theo Trung Quân/GD&TĐ