Nói đến thịt chuột, nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ, không dám ăn nhưng với người dân ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thì đó là một đặc sản.
Ở Đình Bảng, người dân bắt chuột bằng nhiều cách, tùy theo từng loại chuột như chuột đồng, chuột lối, chuột leo... Mỗi loại chuột có một thói quen riêng nên người bắt phải nhận biết được để có phương pháp bắt.
Theo một người có kinh nghiệm bắt chuột, chuột lối thì không cần mồi để nhử, chỉ cần đặt lưới theo lối đi là chuột sẽ sập bẫy, chuột đồng thì phải hun khói hoặc đổ nước làm chuột ngạt chạy ra khỏi hang và chui vào lưới đã đặt sẵn.
Để làm thịt chuột đúng cách thì trước tiên phải cầm đuôi đập chết chuột và nhúng vào nước nóng khoảng 80°C để làm lông, sau đó cạo sạch lại trong nước ấm khoảng 50°C. Khi chạm tay vào da chuột, nếu khô ráo và không dính tức là chuột đã sạch, nếu làm không sạch thì thịt chuột sẽ không ngon và tanh. Khi làm thịt chuột phải chú ý bỏ hoi ở sau tai, nếu còn sót thì thịt sẽ bị hôi.
Theo người Đình Bảng, chuột đồng nhiều đạm, thịt thơm ngon mềm nhưng phải bắt vào đúng mùa gặt thì thịt mới ngon vì thời điểm đó chuột chỉ ăn thóc lúa, còn vào dịp khác chúng vẫn ăn tạp. Chuột leo có thịt săn chắc, ăn dai và thơm.
Ngoài chuột, người Đình Bảng còn bắt dúi làm thịt. Dúi cùng loài họ gặm nhấm, trông khá giống chuột. Dúi khác chuột ở độ dài và màu sắc của lông, lông dúi đen và dài hơn lông chuột. Thịt dúi cũng ngon và thơm hơn thịt chuột vì chúng chỉ ăn rễ củ quả.
Dúi được nhốt trong lồng chờ làm thịt.
Một người bán thịt chuột ở Đình Bảng cho biết, thịt chuột được bán quanh năm, nhiều nhất là vào mùa gặt. Thịt chuột thường được bán vào buổi chiều và hết rất nhanh, không phải lúc nào khách muốn mua cũng có và cũng không bao giờ có chuyện bán ế, bán rẻ.
Thịt chuột có giá 130.000 đồng/kg, thịt dúi có giá 150.000 đồng/kg.
Ngày nay, xung quanh Đình Bảng, do các khu công nghiệp mọc lên, chuột không còn nhiều chỗ trú ngụ. Thịt chuột được bày bán một phần là do người dân đi bắt, còn chủ yếu là từ các nơi khác chuyển đến làm thịt. Vì số lượng có hạn nên khách muốn mua nhiều phải đặt từ trước.
Chuột sau khi làm sạch được chặt đôi, bỏ vào túi chờ khách tới lấy.
Theo người Đình Bảng, thịt chuột thường được chế biến thành các món như chuột hấp lá chanh, giả cầy, nấu đông, nấu đậu, rán riềng.
Món thịt chuột hấp được chế biến khá cầu kỳ. Đầu tiên, thịt chuột được luộc chín, vớt ra để ráo, rắc lá chanh thái nhỏ lên trên rồi dùng vật nặng nén khoảng 20 phút cho mỡ và nước chảy ra, mục đích là để miếng thịt rắn chắc và thơm ngon hơn.
Món thịt chuột hấp lá chanh.
Với món rán riềng, thịt chuột được chặt thành từng miếng, ướp với gia vị và riềng giã nhỏ khoảng 15 phút rồi đem rán.
Món chuột đồng nấu đậu là món ăn dân dã quen thuộc của người Đình Bảng. Thịt chuột được chặt thành từng miếng vừa phải rồi đem nấu chung với đậu phụ cho đến khi đặc quánh, hòa quyện với nhau. Món này ăn kèm với bún hoặc bánh mỳ.
Không chỉ ở Đình Bảng, ăn thịt chuột còn phổ biến ở nhiều nơi trên khắp đất nước, xuất hiện trên các bàn nhậu, trong bữa cơm của nhiều gia đình.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng – Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, một số vùng ở Việt Nam, người dân vẫn sử dụng thịt chuột để ăn theo thói quen tiêu dùng thực phẩm.
Tuy nhiên, thịt chuột không có trong danh mục dùng làm thực phẩm của tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, chuột được xếp vào nhóm động vật gây hại. Nếu con chuột không nhiễm bệnh lý gì thì có thể sử dụng làm thực phẩm nhưng không ai kiểm soát được điều đó.
Dù thịt chuột được coi là đặc sản ở một số vùng nhưng TS. Lâm Quốc Hùng cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng làm thực phẩm bởi ăn thịt chuột tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe con người do các tác nhân ảnh hưởng đến chuột trong quá trình sinh sống trước khi bị bắt làm thịt.
Đó là nguồn gốc của một loạt các bệnh, điển hình như con chuột có thể bị dính vi khuẩn dịch hạch, vi khuẩn kỵ khí, bào tử của vi khuẩn uốn ván, độc tố của nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu làm sạch và chế biến không tốt, nó sẽ là nguồn gốc của các bệnh lây truyền qua thực phẩm, gây ngộ độc hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Ngoài ra, con chuột sống ở môi trường rác rưởi bẩn thỉu còn bị ảnh hưởng của các độc tố hóa học như kim loại nặng, dioxin...
Tóm lại, người dân không nên sử dụng thịt chuột vì khi xảy ra vấn đề đối với sức khỏe thì việc xử lý hậu quả sẽ rất phức tạp, TS Lâm Quốc Hùng nhấn mạnh./.
Theo Tuấn Minh/VOV.VN