Thực trạng quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc đang diễn ra âm ỉ, nhức nhối, gây bức xúc cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Tại Hội thảo “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế” do Học viện Phụ nữ VN phối hợp với Viện FES tổ chức tại Hà Nội ngày 4/10, các chuyên gia của Đức và Mỹ chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về phòng chống QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam.
Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm phòng chống QRTD tại nơi làm việc.
Đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam tiến bộ chậm
Theo TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ VN, trong những năm qua, Việt Nam quan tâm hơn đến việc phòng chống QRTD, trong đó có phòng chống QRTD tại nơi công cộng và QRTD tại nơi làm việc.
Quyết tâm đẩy lùi bạo lực giới và QRTD tại nơi làm việc là mục tiêu quan tâm chung của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
TS.Vũ Mạnh Lợi - Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam tiến bộ chậm.
Bộ luật Lao động năm 2012 lần đầu tiên cấm việc QRTD trong quan hệ lao động nhưng không đưa ra một định nghĩa hay cơ chế nào để nạn nhân có thể báo cáo, để nhận được sự giúp đỡ; không có cơ chế rõ ràng để có thể xử phạt những người QRTD ở nơi làm việc.
Ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam cho rằng, vấn đề QRTD, phân biệt đối xử về giới ở Việt Nam vẫn còn bị xem nhẹ. Chiến dịch chống QRTD mới nổi lên 2 năm gần đây từ phong trào 'Me too'.
Kinh nghiệm bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục của Đức và Mỹ
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra các giải pháp mà Đức và Mỹ áp dụng, những khó khăn thách thức trong vấn đề phòng chống QRTD tại nơi làm việc, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam.
TS. Sina Fontana - Đại học Georg August Gottinggen, Cộng hoà Liên bang Đức
Theo TS. Fontana (Đại học Georg August Gottinggen, Đức), Việt Nam cần có các tiêu chí rõ ràng để phân loại QRTD. Do đó, khuyến nghị đầu tiên của TS. Fontana là bộ luật cần xác định cụ thể thuật ngữ QRTD.
Bên cạnh đó, cần thiết lập các văn phòng khiếu nại về QRTD.
Đề xuất thứ ba là nâng cao nhận thức về QRTD. Khi xảy ra QRTD, trách nhiệm trước hết nằm ở những người sử dụng lao động vì họ là người am hiểu nhất về nơi làm việc.
Khuyến nghị thứ tư là bổ sung điều luật vào bộ luật hình sự, có thể có tác dụng phòng ngừa các hành vi QRTD.
Tuy nhiên, theo bà Fontana, luật pháp Đức vẫn còn kẽ hở trong trường hợp đối tượng QRTD chính là người sử dụng lao động.
PGS, TS. Julie L. Brockman, Đại học Michigan, Mỹ.
Chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ, PGS. TS. Julie L. Brockman, Đại học Michigan cho rằng cần tiến hành nghiên cứu để mô tả tình trạng phân biệt đối xử về giới, sự lạm dụng tại nơi làm việc.
Ngoài ra cần cải cách luật và có hình phạt nặng đối với người sử dụng lao động; Cần giáo dục sớm về QRTD cho trẻ em ngay từ khi bắt đầu vào trung học...
Bà Julie cho biết thêm, ở Mỹ, bên cạnh các văn phòng mà nạn nhân có thể trình báo, còn có các tổ chức khác hoạt động độc lập, có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu QRTD ở nơi làm việc.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để phòng chống QRTD tại nơi làm việc có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực từ nhiều phía để đảm bảo một môi trường làm việc không có QRTD.
Cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào luật pháp, không nên tin cậy hoàn toàn vào người đứng đầu cơ quan. Biện pháp hữu hiệu nhất là tự kiểm soát, tự xác định ranh giới và mạnh mẽ bảo vệ bản thân trước các hành vi QRTD./.
Theo Hồng Minh/VOV.VN