Sau 4 năm kể từ ngày triển khai, các điểm cho thuê xe đạp công cộng của Hà Nội đã hoàn toàn mất dạng mà không để lại bất cứ dấu ấn nào cho giao thông đô thị.
Những chiếc xe đạp bị xếp xó vừa gây lãng phí. Ảnh: LN.
Từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội tiến hành thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Điện lực, ĐH Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Đề án khi đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn.
Một biển quảng cáo của dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng.
Nhiều tâm huyết là vậy nhưng trên thực tế theo tìm hiểu của nhóm PV Báo Lao Động, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn. Lý do của sự èo uột đó phần do ế khách, phần do thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ.
Tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một dãy dài xe đạp xếp chỏng chơ trong một góc khuất của sân trường, buồng trông giữ không có ai túc trực, bụi bặm bám đầy vì thời gian dài không được động đến.
Không ai trông coi, buồng trực đặt chỉ để cho có.
Hơn thế nữa, 3 địa chỉ còn lại là Trường ĐH Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương và ĐH Điện lực thậm chí còn “mất tích” luôn những điểm cho thuê xe đạp. Bảo vệ tại các trường cho biết, trước đây có điểm thuê xe nhưng sau đó không biết bị di chuyển đi chỗ nào.
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương từng là nơi có lượng xe đạp lớn nhất khi bắt đầu thí điểm với 195 xe. Ngày 1.10, trao đổi với PV, một cán bộ thuộc phòng Quản trị của nhà trường cho biết: “Điểm xe đặt ở đây nhưng ít người thuê lắm, chỉ sau tầm 1 năm là họ chuyển đi rồi”.
Các điểm cho thuê xe đạp giờ trở thành nơi trông giữ xe máy.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường cây xanh đô thị, đơn vị thực hiện dự án thí điểm - từng nói về việc quá thiếu hệ thống bãi gửi xe nên dẫn đến tình trạng bất cập, không thuận tiện cho người sử dụng.
Đối tượng thuê xe đạp cũng chỉ có mục đích đi chơi là chính, không có ý định gắn bó thường xuyên với phương tiện. Điều này gây ra sự lãng phí không nhỏ bởi một lượng lớn xe đạp đã đầu tư sản xuất vẫn đang ngày ngày bị xếp xỏ và han gỉ.
Những chiếc xe đạp lâu ngày không sử dụng bị han gỉ, xuống cấp.
Hà Nội là 1 trong 5 thành phố trực thuộc T.Ư triển khai đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dự án này còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế và thiếu tính thực tiễn.
Một câu chuyện tương tự là xe đạp tuần tra của ngành công an Hà Nội. Ghi nhận tại một trụ sở công an một phường thuộc quận Thanh Xuân, hầu hết các xe đạp được xếp ngay ngắn phía sau dãy nhà chính, phủ lớp bụi dày và xuống cấp. Thậm chí, có những chiếc còn bọc nguyên nilon, còn nguyên gai lốp như chưa từng 1 lần được sử dụng.
Nhiều chiếc xe đạp tuần tra còn nguyên bọc nylon.
Được biết, tháng 8.2015, Công an Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình tuần tra bằng xe đạp cho lực lượng cảnh sát trật tự tại các phường trên địa bàn thủ đô.
Lực lượng công an cho rằng, việc tuần tra bằng xe đạp sẽ giúp cảnh sát trật tự tiếp cận các khu vực ngõ ngách nhỏ linh hoạt và cơ động. Bên cạnh đó, mô hình này cũng được kỳ vọng góp phần làm cho hình ảnh người cảnh sát gần gũi, thân thiện với nhân dân và môi trường.
Đầu tư đồng bộ, xe đạp công cộng chung cảnh ngộ với xe đạp tuần tra của cảnh sát.
Vậy là sau hơn ba năm triển khai, mô hình nói trên dù vẫn đang được duy trì. Song bên cạnh những hiệu quả mang lại, một số phản ánh từ người dân cho rằng hình ảnh chiến sĩ cảnh sát trật tự cùng chiếc xe đạp đang ngày càng thưa dần.
Theo LN - Đình Trường/Lao động