Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất trừ điểm vào bằng lái xe nếu vi phạm Luật Giao thông.
Thông tin Cục Cảnh sát giao thông (CSGT-Bộ Công an) đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó có nội dung áp dụng việc trừ điểm vào bằng lái của tài xế vi phạm giao thông thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất trừ điểm vào bằng lái nếu vi phạm luật giao thông. Vì, trình độ nhận thức của người dân, tính minh bạch trong xử phạt của CSGT vẫn là vấn đề lớn nên chưa thể áp dụng đề xuất này.
Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất trừ điểm vào bằng lái nếu vi phạm luật giao thông.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, "tình trạng phạt cho tồn tại dẫn tới người vi phạm nhờn luật", nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi tài xế vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.
Để tăng tính răn đe, Cục CSGT cho rằng cần áp dụng được việc trừ điểm vào bằng lái xe, cùng với sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, Cục CSGT cho rằng cần phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý cảnh sát chỉ cần tra tên rồi trừ điểm tài xế vi phạm trên hệ thống này.
Không khả thi, dễ tiêu cực hơn
Trước việc trừ điểm vào bằng lái xe của người vi phạm, việc trao quá nhiều quyền cho CSGT, nhiều người dân, chuyên gia trong ngành vận tải đều tỏ ra không tán thành và cho rằng, cách làm này chưa chắc đã hiệu quả, thậm chí còn có thể gây ra những tiêu cực.
"Nếu đồng ý có nghĩa là chúng ta đang thừa nhận các hình thức xử phạt khác không hiệu quả hoặc có mà không cao hay sao. Việc bổ sung hình thức trừ điểm có dẫn đến việc đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị máy móc hay không? Chúng ta có nghĩ hình thức này đủ sức răn đe? Hãy làm tốt những điều đã có. Chúng ta chưa làm tốt thì không nên đẻ thêm quy định", anh Thoan, một lái xe taxi ở Gia Lâm nói.
Việc trừ điểm vào bằng lái của tài xế vi phạm giao thông được cho là khó khả thi?
Anh Lê Mạnh Hà, ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, trừ điểm cũng không ngăn chặn được tiêu cực, trừ khi lực lượng CSGT thực hiện nghiêm chỉnh chức năng, nhiệm vụ, không nhận lót tay, không chấp nhận bất cứ biểu hiện xin xỏ nào và đẩy mạnh việc phạt nguội… Xử lý thật nghiêm cả người vi phạm và CSGT nếu tiêu cực với tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ đảm bảo an toàn giao thông.
"Tôi thấy rất hay nhưng làm sao chống triệt để được tiêu cực? Nếu người lái xe bị trừ điểm nhiều, lại tìm cách chạy chọt xin xỏ để được bỏ qua lỗi thì e rằng tiêu cực sẽ tăng lên rất nhiều. Mong xem xét lại để biện pháp này được toàn vẹn hơn", anh Hà nhìn nhận.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thẳng thắn cho rằng, đề xuất trừ điểm vào bằng lái xe của tài xế vi phạm giao thông là không cần thiết.
"Đừng đẻ ra nhiều quy định, thủ tục làm gì. Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đã quy định rất đầy đủ các điều kiện xử phạt và cũng đã đi vào thực tế cuộc sống, vậy nên tốt nhất đừng phát sinh thêm, sẽ rất lằng nhằng. Hơn nữa, không nên giao quyền nhiều quá cho CSGT", ông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc trừ điểm vào bằng lái xe có thể được nhiều nước áp dụng, nhưng thực tế ở các nước khác Việt Nam và không nên bê nguyên xi cách làm của các nước vào Việt Nam.
Đề xuất tăng cường xử phạt nguội.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên hoan nghênh cơ quan quản lý nhà nước đề xuất giải pháp nhằm hạn chế vi phạm giao thông của lái xe nhưng ông cũng không tán thành đề xuất trừ điểm vào bằng lái.
Ông Liên cho hay, đưa ra một chủ trương nào đó đó phải phù hợp với trình độ dân trí, kể cả quan trí. Ở các nước, tính minh bạch của các cơ quan cảnh sát giao thông hơn hẳn, trong khi đó, tính minh bạch trong xử phạt lại là vấn đề lớn.
"Việt Nam đã có nhiều luật lệ, các quy định về xử phạt cũng sửa đi sửa lại nhưng vẫn không xử phạt được, thậm chí rất nhiều trường hợp cãi nhau tay đôi, tay ba ở ngã tư mà không giải quyết được. Cần đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý cảnh sát chỉ cần tra tên tài xế vi phạm trên hệ thống này”, ông Bùi Danh Liên phân tích.
Theo ông Liên, việc xử lý không đơn giản: “Xử phạt trực tiếp với nhau vào còn chưa xong, giờ đưa vào mạng, kỹ thuật này nọ sau xử phạt càng rắc rối hơn và có thể bị kéo dài. Liệu có chắc rằng xử phạt theo kiểu trừ điểm như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực?”.
“Nếu không minh bạch được ở đơn vị xử phạt, trình độ nhận thức của người dân chưa cao thì áp dụng cách làm của nước ngoài vào Việt Nam sẽ không hiệu quả", ông Bùi Danh Liên nhận xét.
Nhấn mạnh lại rằng tổ chức giao thông, quản lý giao thông của nước ngoài hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, không thể lấy cái ngọn của bên này áp vào cái ngọn của bên kia.
"Người dân muốn tin tưởng vào sự minh bạch của cảnh sát giao thông đối với việc xử phạt. Chừng nào xử phạt nghiêm minh rồi, khi ấy muốn áp dụng gì hãy bàn. Còn nhiều điểm chưa rõ ràng như hiện nay thì đừng nên đưa ra vội".
Ủng hộ
Bên cạnh đó, cũng có luồng dư luận ủng hộ cách làm này và cho rằng đó là giải pháp hay để răn đe vi phạm.
CSGT Hà Nội xử lý xe khách vi phạm gần bến xe Mỹ Đình.
"Tôi thấy cách làm này rất hay. Mọi lỗi cứ quy ra điểm, mỗi bằng lái cho 100 điểm vi phạm thì tính từng lỗi để trừ điểm, trừ hết 100 điểm đi thi lại cho lên hệ thống thông tin dữ liệu. Nếu cấp bằng đến lần thứ 3 dừng 1 năm sau mới cho cấp lại", anh Thịnh ở Minh Khai (quận Hai bà Trưng, Hà Nội) nói.
Theo ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thì đây cũng là một giải pháp trong số nhiều giải pháp mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay.
“Giáo dục tuyên truyền luôn phải đi cùng với xử phạt nghiêm minh. Việc phạt xong trả lại giấy tờ cho người vi phạm đi như trước nay chúng ta đã làm chưa tạo được nhiều tính răn đe, khi kiểm tra hồ sơ lưu trữ sẽ không biết có vi phạm, bị xử phạt bao nhiêu lần, những lỗi gì.... Việc phạt vi phạm bằng cách trừ điểm trong hồ sơ lái xe của người vi phạm sẽ luôn tạo cho người vi phạm cảm giác rằng mình có vi phạm rồi, sẽ không được vi phạm tiếp, cách tiếp cận như vậy tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn”, ông Trần Hữu Minh lý giải./.
Theo Phi Long/VOV.VN