Anh Bình - người nhà bệnh nhân thuê trọ ở khu vực bị cháy cho biết: Tôi nhìn căn phòng bị cháy mà người lạnh toát dù những mảng lửa đang rừng rực. Bốn bức tường ám khói xám tro. Tiếng người khóc, cùng tiếng reo đèn quay cứu hỏa. Một màu buồn khó tả.
Người nhà bệnh nhân chuyển đến khu lưu trú Bệnh viện Nhi Trung ương ở tạm.
Tạm thời thế là ổn!
Chiều tối 17.9, hỏa hoạn bùng phát tại một căn nhà gần cổngBệnh viện Nhi Trung ương (Đống Đa, Hà Nội). Ngọn lửa lan rộng cả xóm trọ hơn 150 phòng. Hàng trăm người chạy túa ra ngoài, ngậm ngùi, xót xa - nhìn tài sản của mình bị “bà hỏa” thiêu rụi.
12h trưa 19.9, nhà lưu trú người nhà bệnh nhân Bệnh viện Nhi Trung ương chật kín người. Căn phòng rộng 25m2 giờ là nơi nghỉ tạm của 23 hộ gia đình - là người nhà và các bệnh nhân ảnh hưởng sau vụ cháy. Họ nhận cơm, quần áo, giày dép của các đơn vị từ thiện sau hỏa hoạn. Tạm thời thế là ổn!
Người nhà bệnh nhân và bệnh nhân thuê trọ ở khu vực cháy được chuyển đến khu lưu trú BV Nhi.
Đến giờ cơm trưa, Phúc Liên vẫn đòi mẹ chơi búp bê. Cô bé 12 tuổi, thân hình chỉ bằng đứa trẻ 3 tuổi, gò má cao trắng bệch, đôi tay xoắn lại, cố với tay lấy đồ chơi để cuối đuôi giường. Phải nịnh mãi, bà Nguyễn Thị Hường (SN 1957, ở Nghi Lộc, Nghệ An) mới đút được thìa cơm cho con. Bà nói: "Từ hôm xảy ra cháy đến giờ, mẹ con vật vờ nhiều nơi. Hôm nay, mới có nơi ăn ở tử tế như người ta”.
Bà Hường chia sẻ, lúc xảy ra cháy, cả “biển lửa” bốc lên dữ dội tại khu nhà trọ của ông Hiệp – nơi bà thuê trọ. Người dân trong ngõ chạy túa ra ngoài, cha mẹ hớt hải bế theo con nhỏ, bỏ của chạy lấy người. Lát sau, tiếng còi xe cứu hỏa vang lên khắp phố. Đường Đê La Thành ngắt điện, tối om.
“Tôi chỉ kịp bế Phúc Liên ra. Sau đó, quay lại phòng trọ lấy xe đẩy của Liên mắc kẹt trong đống xe máy ở cuối lối ngõ. Ngọn lửa hất mạnh, hơi nóng tát vào mặt tôi, thiêu rụi đồ đạc, giấy tờ tùy thân của tôi và con. Tiền khám bệnh cho Phúc Liên, hộp sữa mới mua, tiền thuốc gần 4 triệu, cháy tan tành.
Tôi và con thẫn thờ ngồi dưới đất, vật vạ ngoài đường đến 22h đêm. Mệt quá, Phúc Liên phải ngủ trên dãy cỏ, gần hồ Ngọc Khánh. Đến 12h, mới được cán bộ phường đưa vào nhà văn hóa số 5 ở tạm”, bà Hường cho hay.
Bà Hường kể lại sự việc.
Cũng theo bà Hường, hôm nay, toàn bộ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trọ ở khu cháy đều dọn đến ở tại khu lưu trú Bệnh viện Nhi, trừ những người đang điều trị trên khoa. Bà Hường, con gái Phúc Liên và mọi người được phát đồ ăn thức uống miễn phí. Mạnh Thường Quân đến thăm. Ai cũng xúc động!
Bà Hường là mẹ nuôi của Phúc Liên. Bố mẹ Phúc Liên mất khi em còn rất nhỏ. Người thân Phúc Liên không ai nhận nuôi em, đem gửi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Thấy thương quá, bà Hương nhận nuôi em, đặt tên em là Phúc Liên, hi vọng em có cuộc sống an nhiên.
“Lúc nhận Phúc Liên, con gái phát triển bình thường. Song, càng về sau, phần đầu Phúc Liên càng to. Tôi lo quá, đưa con đi khám, các bác sĩ chẩn đoán Phúc Liên bị bại não. Tôi đưa con đi mổ hai lần nhưng không thuyên giảm. Tôi và con đi bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà”.
Nhìn phòng cháy mà người lạnh toát
Anh Vũ Văn Bình (42 tuổi, quê ở Nam Định) là một trong những người thuê trọ bị ảnh hưởng bởi vụ cháy 19 ngôi nhà ở Đê La Thành. Anh tâm sự với phóng viên câu chuyện buồn của mình!
Bình và vợ có với nhau 3 người con (2 trai một gái). Anh chị chịu thương chịu khó làm ăn để nuôi các con. Bản lĩnh - mọi người thường nhắc về anh chị như thế. Nhưng kể từ khi 2 con bạo bệnh, kinh tế gia đình anh khánh kiệt.
Con trai lớn của anh Bình, năm nay 18 tuổi, học cao đẳng nghề trên thành phố Nam Định. Niềm hi vọng của gia đình dồn vào cậu trai cả. Nhưng, đau đớn thay, cách đây 2 tháng 10 ngày, con trai anh bị sốc nắng, đột tử chết.
Nhận tin dữ, tim anh thắt lại, muốn chết theo con. Nhưng, nghĩ đến 2 đứa trẻ thơ dại đang trị bệnh, anh dặn mình phải mạnh mẽ.
Anh Bình kể lại câu chuyện buồn của mình.
Anh Bình kể, út và áp út nhà anh tên Vũ Văn Tiến (SN 2006) và Nguyễn Thị Hoa (SN 2011) bị bại não, tim bẩm sinh. Cả hai bé chưa một lần gọi được tên “ba, mẹ”. Anh chị thường xuyên phải đưa con đi chữa trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Hôm xảy ra cháy, vợ tôi cùng 2 con đang đi trị liệu ở khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Nhi. Về nhà thấy ngọn lửa bùng bùng “nuốt chửng” căn phòng của 3 mẹ con. Vợ tôi định vào phòng “cứu” số tiền 8 triệu đồng tích cóp chữa bệnh cho con, nhưng mọi người can ngăn. Vợ tôi gào khóc đau đớn.
Tôi nhìn căn phòng bị cháy mà người lạnh toát dù những mảng lửa đang rừng rực, đỏ lòm. Bốn bức tường ám khói xám tro, xộc vào mũi, mắt cay xè. Tiếng người khóc, cùng tiếng reo đèn quay cứu hỏa. Một màu buồn khó tả”, anh Bình nghẹn ngào kể lại.
Theo Cường Ngô/Lao động