Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đòi hỏi mạng lưới an sinh xã hội, các cơ quan bảo hiểm phải chuyển đổi mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng công nghệ để đáp ứng những thay đổi hết sức to lớn trong thị trường lao động, các ngành nghề, người lao động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35), sáng 18/9.
Nhắc lại những cơ hội, thách thức của CMCN 4.0 được đề cập trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội tuần trước, Phó Thủ tướng cho biết, từ nhiều góc nhìn khác nhau các nhà lãnh đạo ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đều thống nhất: CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi thế giới và nhiệm vụ của chúng ta là làm cho sự thay đổi ấy tốt đẹp hơn, để máy móc, công nghệ trở thành công cụ phục vụ sự phát triển của con người, không để con người bị lệ thuộc vào máy móc.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh việc tiếp tục lạc quan trước những cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại, cũng phải chú trọng giải quyết những vấn đề của cuộc cách mạng này đặt ra để sao cho tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đều có cơ hội vươn lên và đặc biệt để không bao giờ xa rời mục tiêu con người là trung tâm của quá trình phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Để thực hiện mục tiêu này có nhiều việc phải làm từ xây dựng cơ chế pháp luật, vận động nhân dân thay đổi thói quen. Ví dụ người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm để phòng lúc khó khăn chứ ít có thói quen gửi vào ngân hàng, đầu tư hay tham gia vào các cơ chế có tính chất bảo hiểm, an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng ví dụ.
Nêu quan điểm, trong CMCN 4.0, các quốc gia đều phải có chính sách khuyến khích sáng tạo, nghiên cứu và triển khai, đặc biệt là các ngành liên quan đến và dựa trên nền tảng CNTT, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam xác định đây là thời cơ và đã có những chương trình, dự án phát triển mạnh mẽ hạ tầng CNTT để sao cho mọi người dân, kể cả dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với mạng internet một cách thuận lợi, có các thiết bị cá nhân; thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ CNTT. Hệ thống giám định CNTT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực ASEAN là minh chứng cụ thể cho một ngành nỗ lực vươn lên và tận dụng được cơ hội này.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Liên quan đến tác động của CMCN 4.0 đối với thị trường lao động, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiều ngành nghề cũ sẽ mất đi (dệt may, giày da, xây dựng, điện tử), thậm chí những nghề đòi hỏi kỹ năng rất cao như bác sĩ phẫu thuật thì với sự xuất hiện robot cũng sẽ phải thay đổi, trong khi nhiều nghề mới sẽ xuất hiện. Vì vậy, cộng đồng DN, Nhà nước, các tổ chức xã hội, người lao động phải đổi mới đào tạo để mọi người lao động, dù là lao động giản đơn hay phức hợp đều phải sẵn sàng nâng cao kỹ năng của mình, thậm chí chuyển đổi nhanh hơn, vẫn nghề nghiệp đấy nhưng phải có thêm những kỹ năng rất mới. Ở đây nhiệm vụ các cơ quan an sinh xã hội là vô cùng cần thiết bởi trong quỹ, cơ chế bảo hiểm thất nghiệp có cơ chế giúp đào tạo chuyển nghề nhưng rõ ràng ở nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì còn rất hạn chế.
Dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều nghề trước đây ổn định, các DN có thể có hợp đồng lao động dài hạn với người lao động, thì với cuộc cách mạng này, trong tương lai người lao động ở chừng mực nào đó sẽ bớt ổn định. Lao động tự do, ngắn hạn theo thời vụ, thậm chí từng giờ đồng hồ sẽ nhiều hơn, ngay tại Việt Nam hiện đã có gần 200.000 lao động tự do (freelancer) đang làm việc.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều việc làm qua mạng, lao động ở Việt Nam có thể làm việc cho các công ty bên kia bán cầu và ngược lại. Khái niệm di chuyển lao động sẽ thay đổi, người lao động không nhất thiết phải tới nước này hay nước kia để làm việc và thậm chí ở đâu điều kiện thuận lợi thì người ta có thể lập DN trong khi vẫn giữ nguyên chỗ làm việc.
“Với sự phát triển của công nghệ dịch thuật lời nói, khả năng phá vỡ rào cản ngôn ngữ trong các vấn đề di chuyển thể nhân, di chuyển lao động, làm việc qua mạng sẽ làm các chính sách về di chuyển thể nhân, bảo hiểm xã hội, lưới an sinh phải thay đổi. Điều này đòi hỏi toàn bộ quy định chính sách, chế độ bảo hiểm cũng như nghĩa vụ của DN, của người lao động với sự điều phối của các cơ quan bảo hiểm cũng phải thay đổi. Một trong những môi trường để hấp dẫn lao động là yếu tố an sinh xã hội, hệ thống chế độ về lương, bảo hiểm. Tất cả chúng ta, trong đó có các cơ quan bảo hiểm phải cùng nhau trao đổi và nghiên cứu để nhìn ra được cơ hội, thách thức to lớn mà cuộc CMCN 4.0 mang lại”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo Đình Nam/Chinhphu.vn