Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, mưa lũ những ngày ở khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã làm 14 người chết, 4 người mất tích, riêng Thanh Hóa nhiều khu vực bị ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến đường ở các huyện vùng núi ở Thanh Hóa đang bị ngập, sạt lở, chia cắt
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 4/9, mưa lũ làm 14 người người chết (Lai Châu 1 người, Sơn La 1 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 9 người), 4 người mất tích (Lai Châu 1 người và Thanh Hóa 3 người).
Mưa lũ cũng làm đổ sập gần 380 nhà, trên 800 nhà phải di dời khẩn cấp, gần 5.800 lúa, hoa mùa bị hư hại…trong đó nặng nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái…
Báo cáo nhanh từ các địa phương cũng cho thấy, đến nay các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An về cơ bản đã được thông xe.
Rêng tại tỉnh Thanh Hóa, hiện còn 95 vị trí bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc trên các tuyến QL15C, QL15, QL16, QL 217B. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Các tỉnh đã tổ chức các lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục sự cố, sớm ổn định cuộc sống.
Về tình hình hồ chứa, Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, hiện hồ Sơn La và Hòa Bình đang mở một cửa xả đáy; tổ trực hồ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để tham mưu vận hành phù hợp.
Các hồ khác như Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng đang vận hành xả lũ theo quy trình, các hồ khác đang vận hành bình thường trong quá trình tích nước trong thời kỳ lũ muộn.
Trong 189 hồ cập nhật thông tin vận hành, hiện có 75 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó Bắc bộ 46/75 hồ, Bắc Trung bộ 6/16 hồ, Tây Nguyên 20/69 hồ, Đông Nam bộ 3/5 hồ.
Về hồ thủy lợi, theo báo cáo nhanh, hiện ở miền Bắc đang có gần 120 hồ chứa lớn và 1.140 hồ chứa nhỏ, Bắc Trung bộ có 33 hồ chứa lớn gà 1.185 hồ chứa nhỏ đầy nước. Đáng lưu ý, ngày 30/8 vừa qua, tại Hồ Ban, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (dung tích 1,2 triệu m3) đang thi công sửa chữa cống lấy nước, nhưng mưa lớn khiến nước tràn qua gây xói mái đập gây nguy cơ gây mất an toàn công trình.Hiện các cơ quan chức năng đã xử lý tạm thời, hạ thấp mực nước hồ tránh vỡ đập và tiếp tục theo dõi.
Trước tình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương phía bắc tập trung lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất.
Riêng tỉnh Thanh Hóa phải tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.
Theo Nam Khánh/Tiền phong