Bên những chiếc bè nứa nhỏ được móc tạm vào bụi tre ở bờ suối, những đứa trẻ vẫn nô đùa. Chúng cười vang cả một khúc suối Chiềng, dường như “con ma” HIV không ảnh hưởng nhiều tới chúng.
Những đứa trẻ ở xóm Chiềng 3, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vẫn nô đùa trên con suối chảy qua làng giữa tâm chấn HIV. Ảnh: Phi Hùng
Trong những câu chuyện đau buồn, hoang mang và lo lắng của các thành viên gia đình bà D, 59 tuổi, một trong những người có HIV ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vẫn còn đó tiếng cười của 2 cháu trai bà D.
Xóm Chiềng 1, 2, 3 của xã Kim Thượng chủ yếu là người Mường sinh sống. Ảnh: Phi Hùng
Hai đứa trẻ ấy đứa lớn đã 12 tuổi, đứa nhỏ đã lên 10 đã sống cùng bà D từ nhỏ, vì bố mẹ chúng phải rời quê đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi chúng.
Giữa những biến cố trong căn nhà ấy, hai anh em vẫn vô tư nô đùa, vẫn đá bóng trốn tìm, dường như với chúng HIV vẫn là thứ gì đó xa lạ.
Hai cháu nội của bà D vẫn nô đùa dù bà nội chúng bị nhiễm HIV chưa rõ nguyên nhân khiến cả nhà hoang mang, lo sợ. HIV đã ám xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ hơn tháng trời, ám vào cả những câu chuyện của bà con người Mường nơi đây.
Thế nhưng, giờ tan học tại điểm trường Tiểu học xã Kim Thượng vẫn đầy ắp tiếng cười, tiếng trẻ con nô đùa khi rời lớp.
Điểm trường Tiểu học xã Kim Thượng được đặt ngay cạnh nhà văn hoá xóm Chiềng 3, nơi được cho là có nhiều người nhiễm HIV nhất sau đợt xét nghiệm vừa rồi.
Điểm trường này chỉ có 2 lớp 1, mỗi lớp 19 học sinh đã bắt đầu từ học từ 2 tuần trước.
Theo cô C, giáo viên tại điểm trường, tới thời điểm này vẫn chưa có học sinh nào nghỉ học vì HIV.
Tiếng cười ngây thơ ấy từ trường học lan xuống tới suối Chiềng, nơi những đứa trẻ mải mê nô đùa bên những bè nữa nhỏ móc tạm vào khóm tre.
Lũ trẻ ở xóm Chiềng 3 vẫn mải mê nô đùa dưới suối
Những tràng cười giòn tan của lũ trẻ vang cả một khúc suối, tiếng cười ấy như những đốm sáng nhỏ của thế hệ tương lai giữa cơn bão HIV trong cộng đồng người Mường, người Dao nơi đây.
HIV là câu chuyện có thật, nguồn cơn của sự việc vẫn đang là một dấu hỏi lớn treo lơ lửng trên đầu của những người Mường, người Dao ở Kim Thượng. Câu hỏi ấy chắc chắn sẽ có lời đáp, tuy không thể một sớm một chiều.
Thế nhưng, lũ trẻ nơi đây vẫn sẽ lớn lên từng ngày, vẫn cần một cuộc sống yên ổn thoát ra ngoài những cái nhìn e ngại, những câu hỏi về căn bệnh quái ác kia.
Câu trả lời cho câu hỏi tại sao HIV lại tràn về xã miền núi yên bình này có thể còn phải chờ.
Nhưng làm sao để lũ trẻ nơi đây vẫn giữ mãi được những nụ cười vô tư, những buổi chiều mải mê nô đùa bên dòng suối trong mát là việc cần tính ngay, cần làm ngay, để những đứa trẻ ấy sớm thoát được cái bóng HIV, để được đến trường, được có tương lai tươi đẹp như hàng triệu đứa trẻ khác ở dải đất chữ S này.
Xã Kim Thượng có khoảng 6.600 người sinh sống, nằm cách trung tâm TP Việt Trì khoảng 80km. Trong 490 người được lấy mẫu xét nghiệm ở Kim Thượng, có tới 42 người dương tính vớI HIV.
Người cao tuổi nhất nhiễm HIV ở đây đã 80 tuổi, bé ít tuổi nhất mới chỉ 18 tháng.
Theo Thành Trung/Lao động