Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi vào đất liền, bão số 4 suy yếu nhanh và đi xuống phía nam nên khu vực chịu tác động hẹp hơn dự báo ban đầu.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, thời điểm bão số 4 mạnh nhất là khi tiến sát phía nam đảo Bạch Long Vĩ. Khoảng 11h hôm qua (16/8), trạm quan trắc ở Bạch Long Vĩ đo được sức gió mạnh nhất là 25m/s, tương đương cấp 10, gió giật thời điểm sau đó một tiếng là 33m/s, giật cấp 12. Vì vậy, cơn bão này mạnh nhất khi vào giữa vịnh Bắc bộ với cấp 10, giật cấp 12. Điều này được chứng minh qua số đo của trạm Bạch Long Vĩ cũng như số liệu vệ tinh, radar.
Ông Cường cho biết, sau khi vào vịnh Bắc bộ, bão số 4 di chuyển trung bình 10km một giờ theo hướng tây tây nam. Sau khi qua đảo Bạch Long Vĩ, bão số 4 lệch hơn về phía nam, vùng tâm bão là Nam Định, Thanh Hóa.
Sáng nay (17/8), sau khi vào vùng biển gần bờ Nam Định, Thanh Hóa, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới cấp 7, giật cấp 10.
Theo ông Cường, do bão suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới và đi về phía nam nên khu vực mưa lớn do ảnh hưởng của bão thu hẹp lại so với cảnh báo trước đây. Khu vực đông bắc chỉ mưa ở ven biển từ 100-150mm, khu vực Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng mưa ít hơn. Đồng bằng Bắc bộ lượng mưa dao động từ 50-100mm.
Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 có thể gây ảnh hưởng ở một vùng rộng lớn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ với lượng mưa tương đối lớn khoảng 300-400mm, thậm chí có nơi 500-600mm.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, dù không xảy ra trên diện rộng song trong ngày và đêm nay, tiếp tục có mưa sau bão, tập trung khu vực gồm Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa từ 50-150mm, không ngoại trừ một số khu vực có lương mưa cao hơn là phía tây Thanh Hóa, Nghệ An.
Đỉnh lũ trên sông Bùi, sông Hoàng Long lên mức báo động 1-2, sông Mã, sông Chu, sông Bưởi lên báo động 2-3, sông Đà ở mức báo động 1. Dự báo đỉnh lũ cao nhất về hồ Hòa Bình trong đợt này khoảng 8000-9000m3/s. Tiếp tục cảnh báo khả năng ngập lụt ở vùng trũng thấp đô thị tại đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Ngoài ra, nguy cơ sạt lở đất cao do mưa tích lũy nhiều ngày, đặc biệt ở các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, riêng tại Thanh Hóa, Nghệ An nguy cơ sạt lở đất kết hợp với lũ quét có khả năng xảy ra ở khu vực phía Tây.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền phong