Trong báo cáo số 316 gửi UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hoà cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm tại di tích đình Lương Xá.
Vụ dỡ đình 300 tuổi: Trên bảo đình chỉ, dưới vẫn thi công
Ai chịu trách nhiệm vụ xóa sổ ngôi đình 300 tuổi?
Vẻ đẹp của ngôi đình 300 năm tuổi trước ngày bị 'bức tử'
UBND huyện Ứng Hoà sẽ tiến hành rà soát, kiểm điểm trách nhiệm trong vụ phá đình Lương Xá
Việc phá đình 300 tuổi và xây mới tại thôn Lương Xá, xã Liên Bạt huyện Ứng Hoà gây xôn xao dư luận những ngày qua. Trong báo cáo thực trạng đình Lương Xá, UBND huyện nêu: Đình thôn Lương Xá, xã Liên Bạt là di tích thờ Thành Hoàng làng, địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương; ngôi đình tọa lạc trên khoảng không gian 450 m2; trải qua thời gian, chiến tranh và sự tác động của con người, ngôi đình đã có nhiều thay đổi.
“Trước đây, đình bị giặc Pháp tàn phá nặng nề, hỏng hết phần hậu cung và nghi môn; nhưng năm 1993, 2001 đình đã được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tại lại; cho đến cuối năm 2017, ngồi đình xuống cấp nghiêm trọng, các cấu kiện gỗ mối mọt không còn khả năng chịu lực, gãy mộng, hệ mái xô, lệch, nghiêng”, UBND huyện Ứng Hoà thông tin.
Ngày 13/12/2017, UBND xã Liên Bạt gửi UBND huyện Tờ trình số 58 về việc xin chủ trương xây dựng Tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa; Ban cảm kết nguồn vốn số 02/CK-UBND ngày 6/12/2016 về vệ cam kết nguồn vốn thi công công trình đình Lương Xá. Sau khi xem xét nội dung, UBND huyện giao phòng Văn hóa – Thông tin hướng dẫn UBND xã Liên Bạt thực hiện các bước tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và được sự chấp thuận của các cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền.
Tuy đã có ý kiến của cơ quan chuyên môn, nhưng UBND xã Liên Bản, thôn Lương Xá đã không lập hồ sơ xin phép tu bổ, tôn tạo di tích và tự ý tháo dỡ đình, xây mới di tích bằng kết cấu bê tông; vi phạm Luật Di sản văn hóa, các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Ngôi đình gỗ 300 năm hoá thành bê tông. Ảnh: Bảo Hân
Sau khi Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cử đoàn công tác xuống kiểm tra, đề nghị UBND huyện báo cáo toàn bộ sự việc. Về giải pháp, lãnh đạo UBND huyện nêu “sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm tại di tích”.
Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo UBND xã Liên Bạt tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân thôn Lương Xá về các quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản liên quan. Huyện cũng kiến nghị UBND Thành phố giao Sở VHTT phối hợp với UBND huyện quản lý đối với những cấu kiện, hạng mục gỗ đã hạ giải từ đình Lương Xá (hiện đang được địa phương bảo quản tại Nhà văn hóa thôn), hướng dẫn UBND huyện các bước tiếp theo để tu bổ, tôn tạo di tích đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và quản lý di tích theo quy định.
Sự việc xảy ra với đình Lương Xá rất đáng tiếc, bởi nhiều chuyên gia di sản chỉ ra giá trị nghệ thuật của ngồi đình gỗ này cũng như một số mảng chạm giá trị. Việc xây mới hoàn toàn bằng bê tông làm mất đi ý nghĩa về kiến trúc của đình làng truyền thống. Sự việc này theo đánh giá của giới chuyên gia chính là minh chứng cho việc Luật Di sản văn hoá không đi vào đời sống.
Theo Bảo Hân/Tiền phong