Một huyện có hơn 10 dự án thủy điện, một khúc sông bị chắn ngang thành nhiều nhà máy. Mùa nắng khô hạn, mùa mưa xả lũ ngập úng. Người dân huyện biên giới Kỳ Sơn đang “xin” dừng thực hiện dự án thủy điện để họ được yên ổn.
Thủy điện bậc thang: Nhiều nguy cơ gây thảm họa
Hòa Bình di dân khẩn cấp vùng hạ lưu thủy điện
Người dân Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An xin dừng dự án thủy điện để được yên ổn.
47 dự án thủy điện được phê duyệt
Trong báo cáo của Sở Công thương Nghệ An trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII nêu rõ, toàn tỉnh có 47 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất 1.407,1 MW. Quá trình quy hoạch, 15 dự án hiệu quả thấp đã bị loại. Như vậy hiện nay, tỉnh Nghệ An có 32 dự án với tổng công suất 1.359,9 MW đã được “cấp thẩm quyền” phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.
Bà Kha Thị Bút, trú tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Từ lâu lắm rồi chúng tôi thấy họ đến nói sẽ xây dựng nhà máy thủy điện ở đây và họp dân chúng tôi chuẩn bị di dời đến chỗ khác sinh sống. Nhưng đến giờ có thấy xây đâu, nhà cửa không dám sửa sang lại cho kiên cố, mưa xuống ướt hết. Nhiều người bỏ bản đi rồi. Nếu họ không xây thì xin dừng đi, cho chúng tôi yên ổn sinh sống”. |
Những tồn tại mà nhà máy thủy điện để lại vẫn còn rất lớn. Đơn cử dự án thủy điện Bản Vẽ, đây là một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Năm 2005, thủy điện này ngăn dòng, năm 2009 phát điện hòa vào lưới điện quốc gia.
13 năm qua, dự án thủy điện Bản Vẽ vẫn còn 3/43 tuyến đường giao thông nội đồng ở khu tái định cư huyện Thanh Chương chưa được triển khai. Tình trạng người dân bỏ khu tái định cư để quay về lòng hồ sinh sống tạm bợ vẫn còn diễn ra. Một số nhà ở do chủ đầu tư xây dựng cho bà con tái định cư ở huyện Tương Dương đã xuống cấp, nhiều hộ dân chưa được giao bổ sung đất lâm nghiệp.
Dự án thủy điện lớn khác của tỉnh Nghệ An là thủy điện Hủa Na cũng để lại những tồn tại mà nhiều năm qua người dân phải gánh chịu. Hệ thống nước sinh hoạt của một số điểm tái định cư bị hư hỏng, chưa được sửa chữa.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác điều tra lập quy hoạch các điểm tái định cư chưa hợp lý, không hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào. Một số điểm tái định cư khi thực hiện khai hoang, cải tạo đất theo quy hoạch gặp khó khăn, dẫn tới việc giao đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp cho nhân dân tái định cư rất chậm. Đất khai hoang nằm trên đồi dốc nên độ phì nhiêu rất ít, dễ bị xói mòn, dẫn đến sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Đây là lí do người dân ở các khu tái định cư bỏ chỗ mới quay về chốn cũ.
Xin dừng thủy điện
Dự án thủy điện Mỹ Lý và thủy điện Nậm Mô 1 được nghiên cứu xây dựng trên thượng nguồn sông Cả, thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An giáp ranh với Lào. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô (được thành lập từ các cổ đông sáng lập là Tổng cty CP thương mại xây dựng, Cty CP BOT Vietracimex 8 và Tổng Cty hợp tác kinh tế Việt Lào).
Hơn 7 năm qua, hàng trăm hộ dân tại xã Mỹ Lý (dự án thủy điện Mỹ Lý), xã Tà Cạ (dự án thủy điện Nậm Mô 1) phải sống trong nghèo khó và thiếu thốn. Năm 2011, các ban ngành rầm rộ về khảo sát để xây dựng hai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1, hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng được nhận “lệnh” chuẩn bị di dời. Các công trình phúc lợi dừng xây dựng vào khu vực này. Người dân chờ đợi để tái định cư, còn dự án thì vẫn nằm trên giấy, trong khi huyện Kỳ Sơn không dám xây dựng các công trình phúc lợi.
Trong phiên thảo luận tổ 5, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, một đại biểu huyện Con Cuông phán ánh thực tế ở địa phương, các hội nghị tiếp xúc cử tri có đến 80% ý kiến kiến nghị của cử tri đều liên quan các vấn đề thủy điện. Hằng năm, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư có đến 2/3 đơn thư của công dân liên quan các dự án thủy điện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (huyện Kỳ Sơn) cho biết, huyện này hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động. Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới trên sông.
Hiện tại để triển khai dự án thủy điện Mỹ Lý phải di dời gần 500 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, trong khi đó đất để tái định cư không có, mà việc thực hiện di dân thì đang đặt ra nhiều nguy cơ mất an toàn; làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch, xây dựng một số công trình phúc lợi như trường học ở một số địa phương phải tạm dừng, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và người dân.
Mưa lớn còn kéo dài đến 5/8
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay rãnh áp thấp có trục vào khoảng 21-23 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ có xu hướng phát triển mạnh, từ đêm nay (3/8) ở các tỉnh Bắc bộ có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Ðợt mưa lớn ở Bắc bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 5/8.
N.H
Theo Cảnh Huệ/Tiền phong