Trong khi người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn phải khổ sở sống trong nước ngập, cuộc sống bị đảo lộn, thì tại ĐBSCL, người dân đón lũ sớm với nỗi lo: Lũ không quá lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao…
Rác sinh hoạt tràn ngập ở vùng lũ huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Ngập lụt dài ngày, rác ngổn ngang khắp nơi
Ghi nhận của PV Lao Động, cho tới chiều 2.8, nhiều xã của huyện Chương Mỹ vẫn bị ngập sâu, chìm trong dòng nước lênh láng. Lối vào trung tâm xã Nam Phương Tiến, nước ngập vây quanh tứ phía, nhiều nơi nước ngập lút mái, hoặc ngang nhà người dân.
Nước ngập, khiến nhiều người dân ở rốn lũ Chương Mỹ bị ngứa ngáy, nước ăn chân. Để ngăn không cho rác thải trôi vào nhà, bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, thôn Nam Hài) phải lấy thanh gỗ chắn trước cửa ngăn bèo, rác trôi vào nhà. Theo bà Duyên, những ngày qua, kiến bò đầy giường khiến bà không ngủ được, chân của bà bị nước ăn ngứa ngáy, trước khi đi ngủ, bà lại tra vào chân lọ thuốc nhỏ xã mới phát nhưng chỉ bôi được vài lần là hết.
Còn bà Nguyễn Thị Sáu (cũng ở thôn Nam Hài) cầm lọ thuốc xanh methylen màu xanh lè bôi khắp 10 đầu ngón chân than thở: “Hơn 10 ngày ngập trong nước, cuộc sống bị đảo lộn. Năm nay, nước lũ đọng lâu, cả nhà ai cũng bị nước ăn chân, khổ nhất là bị tiêu chảy vì thiếu nước sạch và rau xanh”.
Không chỉ phải sống trong tình trạng ngập lụt, người dân khu vực xã Nam Phương Tiến còn phải sống trong cảnh rác ngập ngụa, ngổn ngang. Ngay sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng này, chính quyền địa phương và người dân cùng đơn vị thu gom đã thực hiện việc thu gom rác. Tuy vậy, việc thu gom này không thể hết được số rác khổng lồ tồn đọng nhiều ngày sau mưa lũ.
Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội trực tiếp đi thị sát ở Chương Mỹ. Ảnh: TV
Không để dịch bệnh bùng phát sau ngập lụt kéo dài
Theo ông Dương Viết Tài - Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Chương Mỹ - cho biết, tính đến ngày 31.7.2018, có 3.627 hộ gia đình bị ngập úng hoàn toàn của 11 xã vùng thấp, trũng, trong đó có xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến bị ngập úng nặng. Trong những ngày qua, TTYT huyện phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế 11 xã bị ngập úng nặng đã khám cho 1.544 người dân. Bên cạnh đó, TTYT huyện Chương Mỹ đã thành lập đội cơ động phòng chống dịch phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng.
Liên quan tới vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cùng đoàn công tác của sở này đã trực tiếp thị sát tình hình ngập úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tại buổi thị sát, ông Hiền yêu cầu các đơn vị y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND các xã tiếp tục tăng cường công tác y tế, đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất... Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị TTYT Dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ Chương Mỹ giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện.
Chương Mỹ: 3.635 hộ dân bị ngập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết: Tính đến 7h ngày 2.8, tại huyện Chương Mỹ còn 3.635 hộ bị ngập (giảm 48 hộ do nước rút), trong đó 796/835 hộ bị ngập lối đi, 2.839 /2.848 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 6.097 khẩu phải sơ tán; 170m2 nhà ở và 1.774m tường bao bị sập đổ; sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở; 25 công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đình, chùa bị ngập và hư hỏng. Theo thống kê sơ bộ, hiện vẫn còn hơn 1.380ha lúa, hơn 307ha rau màu, hơn 603ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trên 56.000 gia cầm, thủy cầm bị chết và thất lạc… Thành lập Trạm Y tế dã chiến Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến Phùng Thị Hậu cho biết, trên địa bàn xã có 4 thôn bị ngập nặng là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, trong đó Nam Hải bị ngập nặng nhất và bị cô lập nên TTYT huyện phối hợp với Trạm y tế xã Nam Phương Tiến đã thành lập Trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra... Tại các thôn khác, TTYT huyện và trạm đã tổ chức điểm cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại nhà các trưởng thôn. |
Theo Trần Vương/Báo Lao động