Liên tục xảy ra động đất, thậm chí chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ ngày 26/7/2018 xảy ra 4 trận động đất gây rung lắc nhà cửa, đồ đạc khiến người dân ở vùng miền núi Quảng Nam không khỏi hoang mang lo lắng.
Những quả “bom nước” luôn là nỗi ám ảnh của người dân vùng thủy điện (Trong ảnh: Ðập thủy điện Sông Tranh 2). Ảnh: PV.
Ám ảnh động đất, xả lũ…
Những ngày này, người dân các xã thuộc 2 huyện miền núi cao Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam) đang râm ran câu chuyện động đất, thủy điện. Câu chuyện tưởng như rất “cũ”, rất quen nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ mối lo về sự an nguy trong họ thôi ám ảnh.
Sáng sớm ngày 26/7, người dân các xã thuộc 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My liên tục chứng kiến những trận động đất, khoảng cách những trận động đất này chỉ cách nhau vài giây. Những trận động đất có cường độ từ 2,7 đến 3,5 độ Richter. “Những trận động đất này có cường độ mạnh, cảm nhận rất rõ, đồ vật trong nhà, ly nước để trên bàn cũng rung lắc rất mạnh” - anh Thọ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho hay. Theo anh Thọ, chuyện động đất giờ xảy ra “như cơm bữa”, có khi cả chục trận động đất xảy ra trong tháng, không thể thống kê hết. Nếu nói thiệt hại về người và vật chất từ trực tiếp những trận động đất này dường như không lớn, nhưng mối lo ngày một tích tụ.
Chỉ cách đó khoảng 2 tuần tại đây cũng xảy ra 2 trận động đất gây rung lắc mạnh nhà cửa, đồ đạc. Với người dân ở đây câu chuyện động đất đã quá quen thuộc, xảy ra như cơm bữa, nhưng với họ nỗi lo thì chưa bao giờ vơi. Mùa mưa đang bắt đầu kéo về vùng cao này. Những cơn mưa ầm ầm trút vào sáng sớm hoặc đêm. Ở những quán cà phê, chợ hay đơn giản quanh bếp lửa hồng, đâu đâu cũng nghe chuyện về động đất, thủy điện. Nhiều hơn hết là những lần tháo chạy vì thủy điện xả lũ, mất ăn mất ngủ vì sự cố rò rỉ khe nhiệt thủy điện Sông Tranh, hay mới đây nhất là hoảng loạn kéo nhau bỏ chạy lên núi vì tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Không thể kiểm chứng như những nhà khoa học bằng những con số, nhưng với những gì tận mắt thấy đất rung, nhà cửa, đồ vật rung lắc; những trận động đất liên miên và cả những cơn lũ ào ào đổ về từng cuốn đi những nhà cửa, người thân trở thành nỗi ám ảnh không nguôi.
“Ðộng đất thì liên tục, còn bom nước thì ở ngay trên đầu. Quá sợ chứ sao không sợ. Nghe ti vi, đài nói ở Lào thủy điện vỡ cuốn trôi cả mấy bản làng với hàng trăm mạng người, nhà cửa, cây cối bị bị vùi lấp hết - anh Võ Tư (xã Trà Don, huyện Bắc Trà My), lo lắng nói.
Tập trung an dân
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay chính quyền đã nắm thông tin các trận động đất và hiện đang tập trung công tác động viên, an dân. Theo ông Thanh, về cơ sở khoa học đã có Viện Khoa học vật lý địa cầu theo dõi thường xuyên mọi diễn biến của tình hình động đất tại khu vực này và phải có khuyến cáo khi có những dấu hiệu nguy hiểm, mức độ nguy hiểm. Khi đó địa phương sẽ thông tin lại cho người dân cũng như áp dựng các phương án xử lý.
“Trình độ dân trí có hạn nên việc người dân hoang mang thì hoàn toàn có thể thông cảm. Tuy nhiên đứng trên góc độ khoa học, quản lý nhà nước thì ảnh hưởng của thủy điện Sông Tranh 2 đã có kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia năm 2012. Kết quả này dựa trên cả một chuỗi số liệu trước đó và dựa theo nghiên cứu khoa học chứ không phải chỉ ở một thời điểm nên có thể áp dụng cả trong thời điểm hiện tại. Về quan trắc động đất có liên quan đến thủy điện hay các tác nhân khác thì đã có Viện vật lý địa cầu quan sát. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm chứ không có gì đáng lo, địa phương cũng đã có những phương án chuẩn bị trước đó rồi” - ông Thanh nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, tại địa phương đã có diễn tập về việc sơ tán dân khi có động đất ở Sông Tranh. Diễn tập xử lý tình huống phương án nếu xảy ra sự cố.
“Ðể an dân, chúng tôi lấy cơ sở từ kết luận đánh giá an toàn đập của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá năm 2012 tuy nhiên điều này chưa đủ thuyết phục. Người dân cần những đánh giá cụ thể, mới nhất. Ðịa phương cũng kiến nghị với các ngành chuyên môn của cấp trên cần kiểm tra, đánh giá lại hiện tượng động đất để có kết quả cụ thể mới nhất, nhằm chủ động thông tin cho người dân” - ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My nói.
Việc số một là phải lo cứu dân Trao đổi với Tiền Phong về tình thế hàng nghìn hồ đập đầy nước, ông Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) cho rằng: “Lúc này, các địa phương nơi có hồ đầy nước phải lo điều tiết hợp lý cho vùng hạ du và sơ tán dân nếu mưa lũ lớn kéo dài. Sơ tán dân ở hạ du còn quan trọng hơn cả cứu hồ, bởi khi sạt trượt, vỡ đập gần như không còn gì để cứu”. Ông Ðồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự báo mưa lớn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ khả năng kéo dài đến đầu tháng 8, khiến hàng nghìn hồ đập đầy nước, đất đá “no” nước trước đó, nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Ðến chiều 27/7, có hơn 1.860 hồ chứa lớn, nhỏ ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã đầy nước, trên 230 hồ diện xung yếu cần quan tâm đặc biệt ở hai khu vực này. Ðáng lưu ý, ở phía Bắc hồ chứa ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu cơ bản đã đầy nước. Ngoài ra, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Yên Bái đều là những tỉnh điểm về nguy cơ mất an toàn hồ chứa ở khu vực phía Bắc lúc này. Nam Khánh |
“Ðộng đất thì liên tục, còn bom nước thì ở ngay trên đầu. Quá sợ chứ sao không sợ. Nghe ti vi, đài nói ở Lào thủy điện vỡ cuốn trôi cả mấy bản làng với hàng trăm mạng người, nhà cửa, cây cối bị bị vùi lấp hết". Anh Võ Tư (xã Trà Don, huyện Bắc Trà My), lo lắng. |
Theo Hoài Văn/ Tiền Phong