Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng nỗi đau của nó vẫn còn đó, hơn 300.000 ngôi mộ liệt sỹ “chưa biết tên” như nối dài thêm nỗi đau của thân nhân, gia đình các liệt sỹ. Trong những nỗ lực trả lại tên cho những người đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, một nghĩa trang liệt sỹ trực tuyến đã được xây dựng. Đây sẽ là cầu nối giúp hàng trăm nghìn gia đình, thân nhân liệt sỹ có thể tìm kiếm thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ.
Nghĩa trang Đường 9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nghĩa trang liệt sỹ trực tuyến
Bắt đầu từ hôm nay 27/7, người dân cả nước có thể truy cập trang website thongtinlietsi.gov.vn để tìm kiếm dữ liệu thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước. Cổng thông tin này do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp xây dựng từ đầu năm 2018.
Từ khi nghe tin sẽ có cổng thông tin trực tuyến về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, ông Nguyễn Văn Vận (huyện Ba Vì, Hà Nội) đang mong mỏi từng ngày để truy cập website, tìm kiếm được thông tin về phần mộ của anh trai mình là liệt sỹ Nguyễn Văn Áng đang nằm trong số hàng nghìn ngôi mộ chưa có tên tại nghĩa trang Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Văn Vận chia sẻ: “Không chỉ gia đình tôi mà phía gia đình vợ tôi cũng có người anh vợ hy sinh ở chiến trường miền Nam mà chưa tìm được. Tôi cũng đang đợi, nếu có thể tra được thông tin thì tôi tìm luôn. Gia đình rất hy vọng có thể tìm được số liệu hay manh mối nào để tìm được mộ.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khai trương cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trên cổng thông tin thongtinlietsi.gov.vn giống như một nghĩa trang liệt sỹ trực tuyến với dữ liệu của trên 846.700 mộ liệt sỹ tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ. Hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ đã được cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam chụp lại. Mỗi ngôi mộ được chụp 3 bức ảnh: Chính diện bia, toàn thể ngôi mộ và khung cảnh rộng ngôi mộ cùng với các mộ xung quanh.
Thông qua việc thu thập dữ liệu từ địa chỉ chi tiết, tọa độ, người liên hệ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng lập danh sách số mộ liệt sỹ chưa biết tên cần khắc lại bia là trên 53.000 mộ, mộ cần rà soát bổ sung thông tin là gần 136.000 mộ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: “Để có hình ảnh đẹp nhất, không bị bóng mờ, các cán bộ công nhân viên của Bưu điện Việt Nam thường chủ yếu thực hiện việc thu thập thông tin, chụp ảnh vào giữa trưa hoặc đầu giờ sáng, cuối giờ chiều.”
“Bưu điện các tỉnh, thành phố cũng đã thực hiện việc sửa sang, quét dọn, khang trang nghĩa trang và bia mộ. Đối với những bia mộ bị mờ, không rõ thông tin, cán bộ, nhân viên Bưu điện sẽ sửa sang, tô lại nét chữ để ảnh và thông tin về liệt sỹ đảm bảo rõ nét và chính xác. Chương trình được thực hiện theo hình thức tự nguyện, xã hội hóa,” ông Phạm Anh Tuấn nói.
Nhịp cầu tri ân
Cổng thông tin trực tuyến về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ không chỉ góp phần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Thông qua cổng thông tin trực tuyến, khoảng cách địa lý giữa thân nhân liệt sỹ với mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ cũng được rút ngắn đáng kể. Đặc biệt, với những thân nhân, gia đình liệt sỹ không có điều kiện đến tận các nghĩa trang để thăm mộ thì có thể vào cổng thông tin để thăm viếng, tưởng niệm phần mộ liệt sỹ ngay tại nhà mình.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn cổng thông tin trực tuyến về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ sẽ thực sự đi sâu vào đời sống và trở thành kênh thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng và nhân dân.
Cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các nội dung hiển thị trên cổng thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ gồm: Danh sách các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước được phân chia rõ đến tận quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố; Bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang; Hình ảnh tổng quan của nghĩa trang; Sơ đồ khu mộ trong nghĩa trang; Danh sách mộ, hình ảnh từng ngôi mộ trong nghĩa trang.
Riêng tại 5 nghĩa trang: Đường 9, Trường Sơn, Tân Biên, Việt Lào và Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Thuận có thể hiển thị bản đồ Google Maps.
Trên cổng thông tin có chức năng tìm kiếm nghĩa trang, nếu thân nhân liệt sỹ chỉ có thông tin nghĩa trang thì có thể vào chức năng này tìm nghĩa trang, kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị ra sơ đồ các khu mộ trong nghĩa trang và có thể từ đó tra cứu thông tin của từng ngôi mộ.
Đặc biệt cổng thông tin có chức năng tra cứu, thân nhân liệt sỹ có thể vào chức năng này nhập tên liệt sỹ hệ thống sẽ hiển thị ra các thông tin liên quan đến liệt sỹ như nghĩa trang, vị trí phần mộ trong nghĩa trang và hình ảnh bia mộ. Chức năng tra cứu trên cổng thông tin có thể hỗ trợ thân nhân liệt sỹ, đồng đội theo dõi, tra cứu được thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ.
Ngoài ra, thân nhân, đồng đội liệt sỹ cũng có thể cung cấp thông tin, phản hồi, liên hệ với các cơ quan chức năng thông qua mục “liên hệ-phản hồi” của cổng thông tin. Các thông tin được cung cấp tại đây được chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền để tiếp nhận, xử lý và cũng là một kênh để giúp tìm kiếm mộ liệt sỹ thuận tiện, chính xác.
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xác định, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước để hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin, tiến tới xây dựng một ngân hàng thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ đầy đủ và chính xác nhất.
Ông Nguyễn Đình Thường, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sỹ cho rằng, xây dựng cổng thông tin là việc làm có ý nghĩa rất lớn, đối với thân nhân của liệt sỹ. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện sử dụng internet. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng để việc sử dụng cổng thông tin này phát huy hiệu quả.
Cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sỹ, đã quy tập được gần 900.000 hài cốt liệt sỹ, an táng trong hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ nhưng trong đó vẫn có hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính.
Trên tấm bia đá trong các nghĩa trang liệt sỹ khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng là nỗi đau mất người thân vẫn khắc khoải của hàng vạn gia đình. Cổng thông tin không chỉ giúp các gia đình, thân nhân liệt sỹ có thể đến gần hơn với các phần mộ liệt sỹ mà quan trọng hơn cả, đây sẽ là cầu nối giúp tìm kiếm, bổ sung thông tin quan trọng trong quá trình xác định danh tính các liệt sỹ./.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)