50 năm trước, trên đỉnh núi Chư Tan Kra (thuộc xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) họ đứng ở 2 chiến tuyến. 50 năm sau cũng tại ngọn núi này, gác súng họ bắt tay làm bạn, làm cầu nối hòa bình, hữu nghị; đặc biệt là để cùng thực hiện một nhiệm vụ cao cả, đó là đi tìm hài cốt đồng đội vẫn còn nằm lại.
Cựu binh Steve Edmunds rưng rưng khi kể về trận đánh năm xưa. Ảnh: VGP/Bạch Dương
Ông Steve Edmunds, Chủ tịch Hội Cựu binh Sư đoàn 4, Hoa Kỳ tham chiến tại Kon Tum vào tháng 2/1968. Ngày 16/3/1968, ông bị thương và không tham gia trận đánh tại điểm cao 995 Chư Tan Kra. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông luôn mang trong mình nỗi ám ảnh trước cảnh tượng khủng khiếp trong trận đánh tại điểm cao 995 qua những câu chuyện kể của nhân chứng sống và tư liệu lịch sử.
Mùa xuân 2009, ông bất ngờ nhận được email của một người Việt hỏi về trận đánh và thông tin của hố chôn tập thể. “Lúc đấy tôi đã giật mình. Bức email là cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, để xoa dịu nỗi đau do chính chúng tôi gây ra. Đọc xong email, ngay lập tức tôi liên lạc với đơn vị và thu thập những thông tin tình báo trong trận đánh” , Steve Edmunds kể.
Tháng 10/2009, lần đầu tiên ông trở lại đất nước Việt Nam với những bức ảnh tư liệu chụp trong trận đánh. Ông tìm đến, gửi lại cho Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 với hy vọng số tư liệu hiếm hoi sẽ giúp tìm được các liệt sĩ đang còn nằm lại vùng chảo lửa năm nào. Và từ năm 2009 đến nay, mỗi khi có dịp, ông đều đồng hành cùng Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 trở về chiến trường xưa, vẽ sơ đồ, tìm những hài cốt liệt sĩ đang còn gửi mình nơi rừng sâu, đất thẳm.
Đến Việt Nam, thấy được nỗ lực tìm kiếm liệt sĩ của những thân nhân, ông thêm day dứt, trăn trở. Quay trở về Hoa Kỳ, ông tìm cách liên lạc với những cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam nói chung và Kon Tum nói riêng để có thêm thông tin về trận đánh, địa điểm, vị trí… cung cấp cho Ban liên lạc, phục vụ quá trình tìm kiếm.
Cựu binh Hoa Kỳ trao các di vật lịch sử cho Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 tại Chư Tan Kra. Ảnh: Facebook Hồ Đại Đồng
Từ những thông tin của Steve Edmunds nói riêng và những thông tin trên mạng, năm 2016, cựu binh John Cimino, người đã từng tham gia trận đánh tại điểm cao 995 Chư Tan Kra đem theo di vật liệt sĩ (1 chiếc ví, quai dép cao su, một mẩu thơ, bức ảnh kỷ niệm...) trao lại cho Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209.
Từng chôn cất những liệt sĩ trong các phần mộ tập thể, L’Loyd Bedik không muốn nhắc lại những ngày tháng ấy, bởi điều đó luôn khiến ông xót xa, dằn vặt, đau khổ. Ông chỉ nói rằng: “Nếu thời gian quay trở lại, có cơ hội, ông chỉ muốn trở thành những người bạn thân thiết”.
L’Loyd Bedik và vợ đã chọn TP. Đà Nẵng làm quê hương thứ hai của mình vào năm 2016 với các dự án dạy học ngoại ngữ miễn phí cho người Việt Nam.
Ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 cho biết: “Các cựu binh Hoa Kỳ đã tích cực đồng hành cùng các cựu chiến binh của Trung đoàn trong việc vẽ sơ đồ, cung cấp nhật ký chiến trường cho Ban Liên lạc. Dựa trên những thông tin đó, đến nay Ban Liên lạc đã tìm được gần 200 hài cốt liệt sĩ trong 3 ngôi mộ tập thể và ở các ngôi mộ lẻ ở khu vực núi Chư Tan Kra”.
“Trong đợt Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, Trung đoàn 209 với đa số cán bộ, chiến sĩ là người Hà Nội được lệnh hành quân cấp tốc vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tại khu vực núi Chư Tan Kra, Trung đoàn có nhiều trận đánh ác liệt với Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 của Hoa Kỳ. Trong các trận đánh đó, khoảng 400 chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hi sinh”, ông Hồ Đại Đồng cho biết thêm.
Các cựu binh Hoa Kỳ thắp nhang tại các phần mộ liệt sĩ. Ảnh: VGP/Bạch Dương
Mang trên ngực áo tấm băng tang, những cựu binh Hoa Kỳ nghẹn ngào chắp tay, cúi đầu trước từng phần mộ, ngậm ngùi che đi những giọt nước mắt lăn dài trong khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận đánh tại điểm cao Chư Tan Kra.
Xế chiều, Chư Tan Kra lặng yên nhìn hoàng hôn buông xuống. Các cựu binh Hoa Kỳ lững thững bước xuống từng bậc thang chia tay những nấm mồ nằm sâu dưới mặt đất. “Chúng ta đã rất may không chết trong chiến tranh. Bỏ súng xuống, chúng ta là bạn. Chúng tôi sẽ còn ở đây, sẽ hợp tác tốt nhất để cùng đoàn tìm kiếm các liệt sĩ”, Steve Edmunds khẳng định.
Những ngày tháng 7, Kon Tum mưa sụt sùi nhưng nơi đây vẫn đang nóng lên bởi nhang trầm nghi ngút, bởi tình thương yêu và vị tha...
Theo Bạch Dương/Chinhphu.vn