“Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”- phát biểu của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội ông Nguyễn Văn Khá năm 2002, khi dự án thủy điện Sơn La được đưa ra Quốc hội.
Hàng trăm căn nhà của người dân Lào chìm trong biển nước sau vụ vỡ đập ở Lào. Ảnh: Attapeu Today/ Express
Có lẽ, phát biểu nghị trường của ông Khá vào thời điểm này hoàn toàn chưa mất đi giá trị cảnh báo, khi sự cố vỡ đập thủy điệnXepian-Xe Nam Noy, Lào đang gây ra một trong những hình ảnh khủng khiếp còn hơn cả chiến tranh.
Thủy điện Xepian-Xe Nam Noy mới tích nước và chưa đến mức max dung lượng hồ chứa, nhưng hậu quả của vụ vỡ đập là hàng trăm người mất tích, 6.600 người khác trở thành tay trắng.
Mưa lớn và mưa vượt ngoài mọi dự báo đang là một yếu tố bất thường của thiên nhiên vượt ra ngoài mọi tính toán.
Chúng ta hiện có khoảng 7.500 hồ chứa thủy lợi, trong đó có khoảng 560 hồ chứa lớn dung tích lớn.
Đó là tài nguyên, nếu nó an toàn, nhưng sẽ thực sự trở thành những quả bom nếu tình trạng vỡ đập xảy ra.
5 năm trước, trên Báo Lao Động, GS-TS Đào Trọng Tứ từng đưa ra những cảnh báo hết sức nghiêm túc. Rằng “đặc thù của các hồ thuỷ điện miền Trung là không có dung tích phòng lũ”. Rằng: Nguy cơ lũ lụt chỉ là trước mắt, nghiêm trọng hơn là nguy cơ vỡ đập thuỷ điện liên hoàn với một trong những hệ thống thủy điện bậc thang thì sẽ là thảm hoạ. Và, nguy hiểm nhất: Hàng ngàn công trình thủy điện trên cả nước đều chưa có một kịch bản vỡ đập nào hoàn thiện, trong khi chưa ai và chưa có thuỷ điện nào công bố kịch bản vỡ đập.
Tháng 7 năm ngoái, sau 21 năm, thuỷ điện Hoà Bình - dung tích 9,45 tỉ m3 - đã phải xả 8/12 cửa xả đáy sau nhiều đợt mưa lớn kéo dài làm nước dâng cao hơn giới hạn cho phép gần 5 mét và đạt mức 117/ mức tối đa cho phép 120m
Nếu vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình thì toàn bộ 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ ven sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong một ngày. Và Hà Nội sẽ ngập dưới 30 mét nước tính từ chỗ cao nhất của nhà ga Hàng Cỏ.
Vụ vỡ đập Xepian-Xe Nam Noy nên được hiểu như một lời cảnh báo nghiêm túc nhất về sự bất thường của thiên nhiên, một thứ bất thường ngoài mọi dự đoán, ngoài mọi tính toán, ngoài mọi dự liệu, ngoài mọi kịch bản.
Và Xepian-Xe Nam Noy cũng nên được xem là một bài học để chúng ta tính toán lại từ quy hoạch thủy điện cho đến các khả năng, các kịch bản sự cố.
7.500 nhà máy thủy điện, đập dâng, hồ chứa, công trình thủy lợi không phải là nhỏ và không thể chỉ để đưa ra những lời khẳng định mang tính trấn an rằng chúng an toàn.
Theo Anh Đào/Báo Lao động