Áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc mỗi giờ đi được 5-10km.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 23/7, vị trí tâm Áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc, 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm Áp thấp nhiệt đới.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên): khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc).
Dự báo trong 24 giờ tới, Áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 7 giờ ngày 24/7, vị trí tâm Áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Bắc bán đảo Lôi Châu.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm Áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ngày và đêm nay (23/7), ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh.
Xảy ra 39 sự cố đê điều tại nhiều địa phương
Tại Hà Nội: Một số vị trí đê bao hữu Bùi bị tràn, gây sạt lở chiều dài khoản 40m.
Tại Thái Bình: 11 sự cố (sạt lở mái đê phía đồng các tuyến đê biển 5, đê biển 7, Hồng Hà 2, cửa sông tả Hồng, cửa sông hữu Hóa).
Công điện 20/CĐ-TW của BCĐ TW về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 12h ngày 23/7, đồng thời duy trì phát điện tối đa các tổ máy, tiếp tục theo dõi chặt diễn biến báo cáo về BCĐ để điều hành kịp thời trong thời gian tiếp theo. |
Tại Ninh Bình: 6 sự cố (rò mang, đáy tràn Lạc Khoái; rò mang tường bể xả trạm bơm Gia Viễn; tràn đê bao Hoa Tiên, đê bao sông Bôi, nước luồn qua cống Đền Vực do không có cửa điều tiết, đê Trường Yên).
Tại Thanh Hóa: 1 sự cố (sập sân tiêu năng cống 3 cửa, đê biển xã Hải An, huyện Tĩnh Gia). Địa phương đã khắc phục sự cố bằng xếp rọ đá.
Các địa phương đã và đang tiến hành xử lý giờ các sự cố và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến.
Mưa lũ khiến 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương
Báo cáo của BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 7h ngày 23/7 đã có 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương, cụ thể:
22 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 4 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 2 người).
26 người bị thương (Yên Bái: 18 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Thanh Hóa: 3 người, Nghệ An: 1 người).
Trong khi đó, số nhà bị sập là 231 nhà (Yên Bái: 157 nhà, Sơn La: 17 nhà, Phú Thọ: 20 nhà, Hòa Bình: 3 nhà; Quảng Ninh: 2 nhà, Thanh Hóa: 7 nhà, Nghệ An: 24 nhà, Hà Tĩnh: 1 nhà).
Gần 10.000 nhà bị ngập, bị hư hỏng và di dời khẩn cấp. Hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết cuốn trôi.
Tại Phú Thọ: Quốc lộ 32 còn 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 3 điểm sạt lở và ngập sâu, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe.
Tại Hòa Bình: Quốc lộ 6 có 1 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe.
Tại Sơn La: Quốc lộ 6 có 2 điểm ngập nước gây tắc đường; Quốc lộ 43 còn 06 điểm sạt lở, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Quốc lội 32B còn 3 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 01 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe. Đường tỉnh lộ 101, 102, 114 còn một số vị trí còn ách tắc giao thông, các đơn vị đang khắc phục dự kiến trong ngày 23/7 thông xe.
Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác đã cơ bản thông xe./.
Theo B.M/VOV.VN