BGTV- Gắn bó với người dân các vùng nông thôn, Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, dịch vụ. Tuy nhiên có một khoảng thời gian, các Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng. Từ sau chỉ thị 03/CT-BĐVN của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Bưu điện Văn hóa xã, những nơi này đã có sự chuyển biến tích cực.
“Khó khăn và thất thế”
BĐVHX được xây dựng từ những năm 1998, là địa chỉ quen thuộc để người dân tới đọc sách báo, tiếp cận thông tin, trao đổi điện tín, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của Internet, viễn thông di động thế chỗ điện thoại cố định, thư điện tử thay thế thư viết tay, hoạt động tại các điểm BĐVHX cũng ngày càng tụt hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, dịch vụ nghèo nàn, không thích ứng kịp thời với các chuyển biến xã hội khiến người dân không còn mặn mà như trước. Khoảng giai đoạn từ khoảng năm 2008-2013, BĐVHX hoạt động ở mức cầm chừng, hiệu quả kém.
Ông Lê Hữu Dược, 63 tuổi (Xã Tân Mộc, Lục Ngạn) cho biết: “Cách đây chục năm, BĐVHX giúp việc gửi thư từ, liên lạc của người dân những vùng khó khăn được thuận lợi, nhưng hiện nay hầu hết mọi người đều dùng điện thoại di động, việc thông tin qua lại cũng dễ dàng hơn nên nhiều điểm BĐVHX không còn hoạt động sôi nổi như trước”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các điểm BĐVHX vẫn chưa đồng bộ và còn nhiều bất cấp, thiết bị vật chất đa số đều cũ kỹ, lạc hội so với sự phát triển của xã hội hiện tại, các chế độ đãi ngộ hỗ trợ nhân viên bị bỏ ngỏ khiến chính những người lao động tại đây cũng không còn muốn gắn bó. Theo tiêu chí quốc gia về bưu điện và xây dựng nông thôn mới, một xã đạt chuẩn phả có cơ sở bưu chính viễn thông như đại lý bưu điện, kiot, bưu cục văn hóa xã, các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác, bên cạnh đó, để thu hút người dân, các điểm BĐVH cũng cần đa dạng hóa dịch vụ, đổi mới cách phục vụ.
Nỗ lực nâng cao chất lượng
Nỗ lực tiếp cận người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa của ngành bưu điện thời gian qua rất đáng ghi nhận.
Hiện nay, Bưu điện toàn tỉnh có 236 điểm phục vụ, trong đó có 195 điểm BĐVHX,181 điểm đang hoạt động. Từ năm 2013, Chỉ thị 03/CT-BĐVN ra đời cùng lúc với một kế hoạch nâng chất hoạt động hệ thống BĐVHX một cách đồng bộ, mô hình đa dịch vụ được triển khai cùng những giải pháp đồng bộ, đã mở ra một hướng phát triển mới cho hệ thống các BĐVHX. Hiện nay, bưu điện tỉnh Bắc Giang thực hiện mô hình BĐVHX đa dịch vụ ở 136 điểm, 29 điểm cung cấp dịch vụ hành chính công, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng cho các dịch vụ của ngân hàng, bảo hiểm; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trợ cấp xã hội, thu BHXH và bảo hiểm y tế tự nguyện.
Với chủ đề “Tạo bước đột phá - Nâng tầm giá trị thương hiệu - Phát triển văn hóa doanh nghiệp”, trong năm 2018, Bưu điện tỉnh Bắc Giang phấn đấu doanh thu đạt trên 220 tỷ đồng; thu chênh lệch đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 9,6 triệu đồng/người/tháng. Trong đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng các điểm BĐVHX, Bưu điện tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị phát triển đa dạng các hình thức kinh doanh, thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để tháo gỡ những khó khăn, kiện toàn hệ thống chiếm lĩnh thị trường và giữ thị phần tăng doanh thu; tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội… đây được xem là hướng đi mang tính lâu dài và phù hợp với thực tế tại nhiều địa phương.
Nhận trợ cấp qua BĐVHX Trù Hựu (huyện Lục Ngạn), ông Nguyễn Minh Tuyền, 65 tuổi cho biết: "Ngoài là điểm để những người về hưu như chúng tôi đến đọc sách báo, trò chuyện, thì tại đây còn có các dịch vụ hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của người dân, con trai tôi đi xuất khẩu lao động cũng thường xuyên gửi tiền về thông qua điểm bưu điện văn hóa, cán bộ phục vụ tận tình, chu đáo và cẩn thận cũng khiến tôi thấy rất thoải mái và tin tưởng lựa chọn".
Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ giúp các điểm BĐVHX hoạt động hiệu quả hơn.
Theo ông Hoàng Trung Bộ, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, hàng năm bưu điện tỉnh nỗ lực đổi mới, tăng cường đầu tư trang thiết bị, mở rộng mô hình đa dịch vụ tại các điểm BĐVHX. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để cán bộ bưu điện tiếp cận với những hình thức kinh doanh mới, ngoài phục vụ những nhiệm vụ chuyên ngành như trước đây, các chương trình thi đua, đẩy mạnh hình thức bán hàng theo mô hình tổ đội, duy trì kênh hỗ trợ bán hàng, đánh giá hoạt động theo tháng để kịp thời thay đổi cách kinh doanh cho phù hợp, các giải pháp hỗ trợ như đưa công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý điều hành, quảng cáo, truyền thông về hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ, các chương trình thúc đẩy bán hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới... được xem là hướng giải quyết phù hợp, thức thời và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn.
Minh Anh