Không giấy phép hành nghề, không bằng cấp, thuốc chữa bệnh không được cấp phép, thậm chí thành phần là những gì cũng không biết... Hàng loạt cái không nhưng đặc điểm chung của các thầy lang là “nổ” chữa được bệnh, thậm chí cả bệnh nan y.
Thầy lang Nguyễn Bá Nho nổ chữa khỏi ung thư.
Thầy lang có thể “xoá sổ” thầy thuốc!
Một bệnh nhân từ cõi chết trở về hay đang sống những ngày vật vã với bệnh nan y các thầy lang đều phán một loại thuốc, một cách chữa bệnh như nhau. Thậm chí, có những bài thuốc, cách chữa bệnh phản khoa học mà những người không làm trong ngành y cũng dễ dàng nhận thấy. Nhưng người bệnh vẫn mê muội, tin vào lời thầy lang. Với “chi phí chữa bệnh” lên đến tiền triệu, khá cao so với thu nhập của nhiều người bệnh vẫn lao vào.
Năm 2014, thầy lang Nguyễn Bá Nho ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã từng bị tố việc bốc thuốc, chữa bệnh chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội đang kiểm tra hoạt động tại cơ sở của thầy lang Nho và chưa có thông báo kết quả. Trong khi đó, các hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh của thầy lang Nho vẫn diễn ra rầm rộ, thậm chí việc quảng bá còn hoành tráng hơn.
Ông Nguyễn Bá Nho khẳng định: “Người bệnh không cần đến gặp trực tiếp, chỉ cần gửi giấy tờ khám bệnh đến để thầy xem tình trạng. Ung thư giai đoạn nào cũng có thuốc cả. Ở giai đoạn muộn thì 5 - 6 tháng dùng thuốc sẽ khỏi. Người bệnh được sử dụng thuốc nam tán bột pha với nước ấm uống”.
Theo thầy lang Nho, có 2 loại thuốc người bệnh cần dùng là thuốc bột và cao. Tất cả đều được pha uống trong ngày. Tuỳ vào từng thể trạng bệnh mà thầy sẽ cho thuốc điều trị. Giá thành thuốc cũng có hai loại: Một loại 5 triệu đồng/tháng và một loại 7 triệu đồng/tháng. Sau khi lui bệnh, người bệnh nên tiếp tục dùng nhắc lại.
“Nhiều bệnh nhân còn làm cả quan tài nhưng chỉ sau vài tháng dùng thuốc đã khoẻ lại. Như bệnh nhân Phạm Văn T, 66 tuổi ở Phú Thọ, ung thư phổi giai đoạn cuối bệnh viện trả về, dùng thuốc của tôi đã khỏi bệnh từ năm 2012 đến nay sức khoẻ vẫn tốt”, thầy lang Nho quảng cáo.
Cách chữa bệnh thần thánh của thầy lang Nho chỉ là một trong số hàng trăm thầy lang tự xưng chữa khỏi bệnh, cả bệnh nan y hiện nay.
Chuyện lạ đời, hoang đường nhưng đã diễn ra tại xã Ba Liên (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã bị cơ quan chức năng xử lý. Thầy Đinh Văn Ngâu (ở xã Pờ Ê, huyện Kon Pơ Long, tỉnh Kon Tum) có thể dùng miệng hút vào cơ thể người bệnh lấy ra “đá độc” để chữa bách bệnh. Mỗi lần chữa bệnh, thầy Ngâu lấy công từ 500 ngàn đồng đến cả triệu đồng, ấy vậy mà, mỗi ngày có đến hàng chục người bệnh đổ xô tìm đến thầy Ngâu để được thầy “cắn vào người”...
Người bệnh mê muội
Lang băm chữa bệnh để lại hậu quả đã thấy nhưng dường như người bệnh quá mê muội vào lời quảng cáo. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từng tiếp nhận nhiều ca bệnh là hậu quả của lang băm. Nằm mê man trên giường bệnh, xung quanh là những thiết bị y tế hiện đại nhưng mạng sống của bệnh nhân L.M.H (33 tuổi, ở Nam Định) khá mong manh. Bị đau mỏi các vai, gáy, khớp xương cổ tay và ngón tay, chân, đi khám tại bệnh viện lớn, chị H được kê đơn thuốc uống trong 1 tháng để chữa bệnh viêm đa khớp. Uống thuốc theo đơn được 10 ngày, chị H bỏ thuốc, nghe lời mọi người truyền tai, chị vào tận Thanh Hóa để nhờ thầy lang ngoài 70 tuổi chữa bệnh.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ông thầy lang tiêm nhiều mũi thuốc không rõ tên cho chị H. Ít lâu sau, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau từ vùng thượng vị xuống rốn. Bệnh nhân được cấp cứu tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng men gan tăng cao, vàng da, suy gan, thận nặng. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực với những máy móc hiện đại và thuốc tối tân nhưng vẫn nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị tích cực cho bệnh nhân Lê Thị T (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa), mắc basedow đã gần 10 năm. Bệnh nhân T đã đi khám nhiều nơi như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... nhưng vẫn trong tâm lý vừa điều trị vừa lo. Nên dù đã điều trị theo Tây y, nhưng bệnh nhân không tuân thủ phác đồ, nghe ngóng khắp nơi các bài thuốc nam chữa bệnh để đi tìm. Theo lời người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đến nhà nhiều thầy lang tại Hải Dương, Hưng Yên... để được chữa theo thuốc nam, đắp cao, đắp thuốc vào vùng cổ. Mới đây nhất, T lại nghe ngóng được trường hợp thầy lang ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chữa căn bệnh này nên đã tìm đến.
Sau 5 - 10 ngày đắp loại thuốc của thầy lang vào vị trí bướu do mắc bệnh Basedow, bệnh nhân bị hoại tử tại chỗ vùng da đắp nhưng thầy lang vẫn khẳng định đó là do quá trình “tan chân bướu” gây ra. Sau khi dùng thuốc ở đây được vài tháng, bệnh nhân mệt mỏi, sút cân nhiều. Bệnh nhân đã nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương với tình trạng mệt mỏi, người gầy yếu (38kg), mạch nhanh (150 lần/phút), cổ to nhiều vết sẹo lớn nhăn nhúm trên cổ, mắt lồi, tay run.
Bác sĩ Trần Văn Đồng (Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết: Đây là những biểu hiện đặc trưng của basedow và hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu điều trị. Nhưng do bệnh nhân không điều trị theo phác đồ, dùng thuốc nam đã gây các hiện tượng trên.
Cơ quan chức năng không diệt được lang băm?
Hiện nay, có nhiều loại thuốc Ðông y do những vị lang băm không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền tự pha chế được bán một cách công khai và sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Việc dễ dãi đặt niềm tin vào những loại thuốc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và trong thực tế đã khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí, nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
Hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này phần lớn chưa được khoa học hoặc các cơ quan chức năng kiểm chứng, hầu hết những người mua và sử dụng đều dựa theo những lời giới thiệu hoặc quảng cáo theo kiểu truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học.
Chuyện về những thầy lang băm không có cơ sở khoa học, báo chí truyền thông từng nhiều lần phản ánh, vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, dùng những phương cách lạ lùng để chữa bệnh kiếm tiền của họ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có không ít người mù quáng tin tưởng vào các lang băm theo lời đồn thổi, mách bảo hoặc do người bệnh có quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” nên các “thầy lang vườn” này vẫn lén lút hoặc công khai hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, cho biết: Hiện có nhiều ông lang tự xưng là gia truyền, quảng cáo quá khả năng, nhưng đến thời điểm này chưa một thầy lang cũng như bài thuốc nào có khả năng chữa khỏi bệnh nan y, đặc biệt là ung thư.
“Đã từng có thầy thuốc đề xuất lên cơ quan y tế về việc có bài thuốc chữa ung thư, nhưng khi được đề nghị chữa bệnh nhân thực thì không chữa được. Hiện nay, những ông lang khẳng định chữa được bệnh ung thư là bị hoang tưởng về khả năng của mình hoặc là lừa bịp”, ông Nguyễn Hồng Siêm khẳng định.
Ông Siêm cho biết, hiện người dân đang tin tưởng và có xu hướng chữa trị bệnh bằng y học cổ truyền nhưng các vị thuốc phải được sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp người dân chưa trang bị được kiến thức về đông y thì không nên “tự ý bốc thuốc cho mình”. Đồng thời, người bệnh nên tìm đến những thầy thuốc, cơ sở bán thuốc đông y uy tín để khám và cắt thuốc.
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) từng lo lắng: Một số đối tượng tự ý quảng cáo các phương thuốc chữa bệnh gia truyền mà chưa được cơ quan y tế cấp phép, không có cơ sở khoa học, đây là hành vi vi phạm Luật Khám chữa bệnh và bị xử lý theo quy định. Người dân không nên tin tưởng mà “tiền mất tật mang”.
Theo ThS Khoa, người dân tin vào những bài thuốc dân gian “thầy lang” chưa được kiểm chứng dẫn đến việc chậm điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn. Hiện tình trạng người hành nghề lương y không phép rất nhiều, như một “ma trận”, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát để lập lại trật tự, hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo quy định, thẻ hội viên không thay thế được chứng chỉ hành nghề, cơ sở được phép hành nghề phải có biển hiệu, trên đó ghi rõ số giấy phép hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp....
Để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua mạng internet hoặc truyền miệng, thầy lang, ngành y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học.
Theo Hà Lê/Báo Lao động