240
/
63306
Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch
mot-ngay-lam-huong-dan-vien-du-lich
news

Một ngày làm hướng dẫn viên du lịch

Chủ nhật, 15/07/2018 | 11:09:40
795 lượt xem

- Alô, bạn à! Cuối tuần này các bạn Hà Nội đưa khách về Bắc Giang chơi đấy. Việc của anh em ta là đón tiếp, đưa ra mấy phương án tham quan một ngày để các bạn chọn và làm “hướng dẫn viên" cho đoàn nhé. - Thắng nói qua điện thoại vẻ phấn khích. - Nhất trí!- Tôi nhận lời.

Đoàn khách tham quan vùng vải thiều ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Đoàn khách tham quan vùng vải thiều ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Một tuần trôi qua thật nhanh. Sau khi lên kế hoạch chi tiết, cập nhật những nơi đến và ăn trưa lần cuối, chúng tôi tới điểm hẹn gần Siêu thị BigC Bắc Giang. 9 giờ 20 phút đoàn tới nơi, muộn hơn so với lời hẹn. Đoàn về chơi lần này, ngoài hai bạn học cũ của chúng tôi còn có hơn mười anh chị em nữa. Dẫn đầu là anh Ân Thanh Sơn (quê Hải Phòng), Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam - VIB Bank.

Sau phút thân mật làm quen, anh Sơn lên tiếng: “Hôm nay chúng ta sẽ đến những điểm nào?”. "Dạ, Bắc Giang là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Hiện có ba sản phẩm du lịch chính gồm: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa và sinh thái - nghỉ dưỡng anh ạ" - Tôi nhanh nhảu trả lời. "Với thời gian một ngày, hôm nay chúng ta sẽ đi hai điểm chính là chùa Vĩnh Nghiêm và vùng vải thiều Lục Ngạn (hai điểm điển hình cho văn hóa - tâm linh và sinh thái - nghỉ dưỡng). Hơn nữa, Lục Ngạn đang vào mùa thu hoạch vải nên cảnh sắc rất đẹp".

Tất cả vui vẻ đồng ý vì chưa ai đến vùng vải lần nào. Một cô gái trẻ tươi tắn, tóc xù ngang vai tách đoàn đi về phía chúng tôi tự giới thiệu tên Trần Phương Nhung, cô chìa ảnh trên điện thoại, khoe: "Bắc Giang sen đẹp thật, chúng em tạt vào chụp nên mới bị trễ hẹn đấy". Thì ra mọi người đã bị những đầm sen dọc hai bên đường đoạn qua xã Quang Châu và Vân Trung (Việt Yên) níu chân. Phương Nhung và Anh Tâm, cả hai đều quê gốc Hà Nội tình nguyện lên xe chúng tôi. Đoàn xe nhằm hướng chùa Vĩnh Nghiêm.

- Chúng ta đang đi trên đường tỉnh 293- Tôi bắt đầu “vào việc”- Đây còn được gọi là “con đường tâm linh” dài hơn 73 km. Các tuyến nhánh của đường này dẫn vào các điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Bắc Giang như: Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); Khu du lịch Suối Mỡ (Lục Nam)… Đặc biệt, điểm cuối là Khu du lịch Tâm linh - Sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).

Đoàn xe băng qua những cánh đồng lúa vàng ruộm đang vào vụ gặt, chẳng mấy chốc đã đến khu vực chùa Vĩnh Nghiêm. Ngôi chùa trang nghiêm hiện giữa khung cảnh thiên nhiên thanh tịnh. Mọi người tíu tít nối bước vào sân chùa. Ai nấy đều tranh thủ chọn cho mình những khung cảnh đẹp để lưu dấu nơi này. Thật may hôm nay cuối tuần nên có hướng dẫn viên của Ban Quản lý di tích huyện Yên Dũng tới đón khách tại chùa. Tôi thở phào vì nhờ được cô hướng dẫn viên tên Khơi đưa đoàn đi tham quan.

- “Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là chùa Đức La, thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Tương truyền chùa có từ đầu thời Lý Thái Tổ. Nơi đây thờ Phật và ba vị Trúc Lâm Tam Tổ là vua Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Ba vị Trúc Lâm từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây, do đó chùa Vĩnh Nghiêm được coi là đất tổ của thiền phái Trúc Lâm và là điểm du lịch văn hóa tâm linh, kết nối với chùa Bổ Đà trong hành trình du lịch Tây Yên Tử…” 

Trước sân chùa Vĩnh Nghiêm.

Trước sân chùa Vĩnh Nghiêm.

Dừng lại trước kệ đựng Mộc bản kinh Phật, Khơi nói đầy tự hào: “Chùa còn lưu giữ được kho Mộc bản kinh Phật với hơn 3 nghìn bản ván khắc chữ Hán bằng gỗ thị rất có giá trị. Mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương”.

Quá 11 giờ, đoàn rời Vĩnh Nghiêm lên Lục Ngạn. Đã trưa nên dòng người chở vải đi bán thưa hơn nhưng cả một đoạn đường dài vẫn ngập màu vải đỏ. Đoạn ùn tắc dài chừng 3 km mà phải mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua. Thời tiết oi nóng nhưng chẳng ai nao núng.

Đã hẹn trước, sau khi ăn trưa, chúng tôi đến thẳng trang trại của gia đình ông Hoàng Ngọc Hiền, dân tộc Sán Dìu ở thôn Ngọt, xã Hồng Giang. Đây là một trong những trang trại vải ở Lục Ngạn sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Hiền nhanh nhẹn vén những chùm vải đỏ trĩu cành dẫn chúng tôi lên đỉnh đồi. Nhung và các bạn reo vui như con trẻ vì chưa bao giờ được đắm mình vào không gian đẹp như vậy. Máy ảnh trong tay tôi hoạt động hết công suất. Nhung, Tâm và các bạn tha hồ tạo dáng với "đạo cụ" là những chùm vải đỏ, nặng trĩu.

“Nếu không quen các anh có lẽ còn lâu em mới được đến đây vì không thấy quảng cáo tour du lịch cho vùng này”. Nhung cười nói. “Đó chính là điểm khuyết của du lịch Bắc Giang. Hiện Lục Ngạn đang tiến hành xây dựng các tour du lịch miệt vườn. Huyện cũng dự kiến bố trí quy hoạch các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải... Hy vọng từ mùa vải năm sau, nơi đây sẽ hút khách du lịch nhiều hơn”. Tôi phân trần.

Cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, bằng chất giọng lơ lớ của người Sán Dìu, ông Hiền cho biết, gia đình đang sở hữu hơn 350 gốc vải do bố mẹ ông trồng từ 30 năm trước. Mỗi năm, vườn vải cho từ 15 đến 18 tấn quả, đạt giá trị hàng trăm triệu đồng. “Theo chỉ dẫn của UBND huyện Lục Ngạn, từ đầu vụ, ngày nào gia đình tôi cũng đón từ 5 đến 7 đoàn khách đến tham quan. Hôm trước, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đến đây"- Ông Hiền kể. 

Chia tay ông Hiền, trước khi chọn một cây vải lớn, quả ngon nhất vườn mua làm quà cho mọi người, anh Sơn có ý định mua một món đồ lưu niệm cho chuyến tham quan. Vậy nhưng không có. Tôi thấy tiếc là ngoài những đặc sản “ăn được” như bánh đa Kế, mỳ Chũ, rượu Làng Vân…, tại những điểm đến của Bắc Giang hầu như chưa có những sản phẩm, quà tặng lưu niệm đặc trưng.

Trong tôi chợt dâng lên dòng suy nghĩ, Bắc Giang có nhiều tiềm năng du lịch. Ngoài mùa vải, chúng ta còn những mùa na, cam, nhãn, những làng nghề, lễ hội, hồ đập, cây lim xanh, dã hương nghìn tuổi cùng bao cảnh đẹp nên thơ khác…Nhưng rõ ràng du lịch Bắc Giang còn những hạn chế như: Đường sá chưa thuận tiện, kết nối tour, tuyến chưa rõ nét. Bắc Giang cần những nhà đầu tư, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực hướng dẫn viên chuyên nghiệp; quà tặng du lịch…

Chúng tôi rời vườn vải của gia đình ông Hiền khi mặt trời tắt nắng. Ngoài trời mưa bắt đầu rơi. Quay sang tôi và Thắng, Nhung cất tiếng: "Bắc Giang còn nhiều sản phẩm du lịch nữa không anh?". Tôi đáp: "Theo anh biết, trong những năm tới, Bắc Giang tập trung phát triển ba không gian du lịch, đó là: Tây Yên Tử (Sơn Động, Lục Nam) với hành trình “theo bước chân Phật hoàng Trần Nhân Tông”; không gian du lịch lịch sử - văn hóa gắn với những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế (Yên Thế, Tân Yên), cụm di tích lịch sử An toàn khu II (Hiệp Hòa)…; không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (TP Bắc Giang, Yên Dũng và Việt Yên). 

Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch chính, tỉnh ưu tiên các sản phẩm đặc thù như: Du lịch đường sông- “Du lịch trên dòng sông quan họ”, kết nối với Bắc Ninh, Hải Dương. Du lịch cuối tuần với các khu nghỉ dưỡng sinh thái, làng sinh thái trên núi như: Khe Rỗ, Đồng Cao (Sơn Động). Du lịch thể thao như chơi golf (Yên Dũng), dù lượn, leo núi…". "Hy vọng tới đây sẽ được đưa mọi người tham quan những nơi đó" - Thắng xen vào rồi cho xe chạy chậm lại vì sắp đến lối rẽ chia tay các bạn.

Trong tôi chợt dâng lên dòng suy nghĩ, Bắc Giang có nhiều tiềm năng du lịch. Ngoài mùa vải, chúng ta còn mùa na, cam, nhãn, những làng nghề, lễ hội, hồ đập, cây lim xanh, dã hương nghìn tuổi cùng bao cảnh đẹp nên thơ khác… Nhưng rõ ràng du lịch Bắc Giang còn những hạn chế như: Đường sá chưa thuận tiện, kết nối tour, tuyến chưa rõ nét. Bắc Giang cần những nhà đầu tư chiến lược để có thể khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực hướng dẫn viên chuyên nghiệp; quà tặng du lịch…

Đoàn chia tay đúng vị trí hẹn gặp lúc sáng, ai cũng thấm mệt nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi. “Hẹn gặp lại Bắc Giang một ngày gần nhất!” là câu nói mà chúng tôi nghe được trước khi đoàn xe lẫn vào làn mưa giăng giăng.

Theo Thế Đại/Báo Bắc Giang

  • Từ khóa

Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ...
16:36 - 24/11/2024
319 lượt xem

Được hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm liền, có phải đi nghĩa vụ nữa không?

Tôi năm nay 21 tuổi và đã được hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm liền do một bên tay bị trật xương và có năm mắc bệnh về mắt.
12:16 - 24/11/2024
429 lượt xem

Miền Bắc đón đợt rét đậm đầu tiên, miền Trung mưa liên tiếp

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 23.11, một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống miền Bắc nước ta.
08:29 - 24/11/2024
505 lượt xem

Hàng Nhật bị làm giả từ mỹ phẩm, thực phẩm cho tới dầu nhớt, mũ bảo hiểm

Tỉ lệ hàng Nhật Bản bị làm giả gia tăng trong những năm gần đây, đe dọa tới sức khỏe người sử dụng
20:39 - 23/11/2024
820 lượt xem

Cảnh sát giao thông có quyền ngăn chặn người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh

Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh...
16:58 - 23/11/2024
887 lượt xem