Để đảm bảo tạng của tử tù còn sử dụng được và ghép cho người sống đòi hỏi tử tù còn sống. Làm điều này sẽ phạm vào tội giết người để lấy bộ phận cơ thể người, chưa kể nhiều hệ lụy khác.
GS. TS. BS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam (VN), đã phân tích những bất cập nếu lấy tạng hiến của tử tù với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, ngày 9/7, khi nghe bị đề nghị án tử hình, tử tù Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, sống ở An Giang) đã nói lời sau cùng: “Tôi xin lỗi gia đình bị hại... Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản”. Tình là hung thủ giết năm người trong một gia đình và cướp tài sản tại quận Bình Tân vào cuối năm 2017.
Phải lấy tạng khi tử tù còn sống
Sau khi nghe bị cáo xin hiến tạng, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc mặc dù tử tù đồng ý hiến tạng nhưng liệu lấy tạng từ tử tù có dễ không.
Hiện nay, pháp luật VN và thế giới có quy định như thế nào về việc lấy tạng từ người hiến là tử tù để ghép cho người sống không, thưa ông?
Pháp luật VN và kể cả tất cả các nước trên thế giới đều chưa cho phép việc lấy tạng, tức các bộ phận cơ thể người (tim, thận, gan, phổi...) của tử tù, để ghép cho người sống.
Do đó, việc ghép tạng từ tử tù hoặc ai đó có nguồn tạng từ tử tù bị cho là phạm tội. Mặc dù thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe đâu đó nguồn tạng từ tù binh hoặc có nước dùng tạng từ tử tù, tất cả đều bị lên án rất nhiều và liệt vào tội phạm buôn bán nội tạng và giết người.
Việc thực hiện ghép tạng từ tử tù nếu được cho phép và đồng ý từ tử tù thì sẽ rất khó khăn khi thực hiện ra sao?
Nguyên tắc muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn và đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn và phải thực hiện lấy tạng gấp rút trong vòng 45 phút tại cơ sở y tế chuyên môn (thận lấy trong vòng 15 phút, gan 30 phút, tim dưới 30 phút).
Tử tù Nguyễn Hữu Tình, người mới đây xin hiến tạng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: PV
Trong khi đó, thi hành án tử hình là làm cho tử tù chết bằng các biện pháp như bắn nhiều phát súng, tiêm thuốc độc. Bắn súng sẽ làm cho các cơ quan nội tạng không còn nguyên vẹn nữa, hoặc tiêm thuốc độc sẽ làm cho tim ngừng đập và các cơ quan nội tạng bị nhiễm độc thì tạng không thể dùng được nữa. Nếu có nguồn tạng từ tử tù tức là họ đã bị lấy tạng lúc còn sống và điều này là cấm kỵ và vi phạm pháp luật, nhân quyền, bị khép vào tội giết người để lấy bộ phận cơ thể người có quy định trong pháp luật nước ta.
Ngay cả đối với những người dù có tấm lòng hiến tạng mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, dù biết trước cái chết cũng rất khó đạt được việc hiến tạng. Do đó, về phương diện khoa học, dù giờ xử án có biết trước cũng rất khó thực hiện.
Nhiều hệ lụy phức tạp
Theo ông, việc đồng ý cho phép tử tù hiến tạng sẽ dẫn đến những hệ lụy thế nào?
Giới y học hiện nay không ủng hộ việc cho phép tử tù hiến tạng. Mặc dù quan điểm của tôi là dù tử tù có hành vi tàn bạo đi chăng nữa nhưng cuối cùng họ mong muốn hướng thiện, giúp đời thì đáng trân trọng. Ngoài ra, khoa học cũng chưa chứng minh người giết người thì có gen di truyền sẽ ảnh hưởng người nhận tạng.
Sẵn sàng nhận tạng của tử tù để được sống Bản thân tôi từng tuyệt vọng vì chờ người hiến tim. Đứng trước sự sống và cái chết mong manh như ngọn đèn leo lét trước gió, tôi chỉ mong ai có lòng giúp mình chứ không nghĩ gì nhiều. Nếu giả sử có người tử tù hiến tim cho tôi thì tôi cũng sẵn lòng và cám ơn người đó chứ không sợ gen xấu sẽ nhiễm vào mình. Anh NGUYỄN QUỐC HÙNG (29 tuổi, Tiền Giang), người được ghép tim hiến vào tháng 2-2018 |
Giả sử quy định cho phép tử tù hiến tạng sẽ rất rắc rối và để lại nhiều hệ lụy, cả thế giới cũng không đặt vấn đề này vì quá phức tạp. Theo tôi, không nên vì nguồn tạng khan hiếm mà vi phạm điều nghiêm trọng như giết người lấy nội tạng.
Hoặc tử tù muốn cho một bộ phận cơ thể như một quả thận cũng phải đặt vấn đề động cơ. Việc ghép tạng phải được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên môn, tử tù bị giới hạn các quyền công dân nên đòi hỏi lực lượng canh giữ nghiêm ngặt... nên quá phức tạp. Trong khi hiến tạng đòi hỏi tinh thần tự nguyện, thoải mái.
Ngoài ra, nguồn tạng muốn hiến được phải trải qua quy trình sàng lọc nghiêm ngặt, nếu không bệnh nhân sẽ tiền mất tật mang. Trước đây, tại BV Chợ Rẫy đã từng tiếp nhận người ghép tạng từ nguồn tạng phi pháp bị nhiễm HIV và trả giá bằng tính mạng. Ngoài ra, người nhận tạng cũng có quyền từ chối tạng từ tử tù, ở một số nước đã bày tỏ quan điểm từ chối.
Ba vướng mắc chuyện tử tù hiến tạng Đây không phải lần đầu có việc tử tù xin được hiến tạng. Trước đó, Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, kẻ chủ mưu vụ thảm sát sáu người trong một nhà tại Bình Phước) và Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, thủ phạm sát hại hai người trong một vụ cướp tại Hà Nội) cũng có mong muốn tương tự. Từng trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho rằng có nhiều vướng mắc đặt ra nếu chấp nhận cho tử tù hiến tạng, hiến xác: Thứ nhất, hiện nay tử tù bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên cơ thể, nguồn tạng sẽ không được đảm bảo. Ngoài ra, việc hiến tạng được tiến hành trước hay sau khi thi hành án cũng là một câu hỏi khó giải đáp. Thứ hai, cần lưu ý đến cả vấn đề chất lượng mô, tạng trong trường hợp chấp nhận cho hiến bởi thực tế có nhiều tử tù mang rất nhiều bệnh tật, bệnh truyền nhiễm, thậm chí là HIV. Thứ ba, yếu tố tâm linh cũng là vấn đề cần quan tâm bởi nếu người được ghép tạng nghĩ đến việc trong cơ thể mình đang mang bộ phận của một tử tù từng phạm trọng tội thì chắc hẳn ai cũng có nhiều băn khoăn. Về ý kiến cho rằng nên có hành lang pháp lý để đáp ứng nguyện vọng hiến tạng, hiến xác của tử tù, Thiếu tướng Quân nói: “Nếu quy định việc này thì nhất thiết phải quy định trong luật chứ không thể quy định trong văn bản dưới luật. Trên thực tế, rất ít trường hợp tử tù xin hiến tạng, hiến xác. Khi nào có nhiều trường hợp thì sẽ đưa ra bàn bạc chứ không thể vì một, hai trường hợp cá biệt mà sửa luật được”. |
Theo Tuyến Phan/Pháp luật TPHCM