Mỗi khi những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng như thế xuất hiện, người ta lại càng thấm thía: Phải chi Tây Bắc còn rừng!
Mưa lũ xảy ra tại các tỉnh Tây Bắc trong 3 ngày qua đã gây ra những hậu quả nặng nề. Riêng tại tỉnh Lai Châu, mưa lũ đã làm 25 người chết và mất tích, 8 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà và diện tích hoa màu, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị vùi lấp, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, khiến nhiều vùng dân cư bị cô lập.
Thống kê riêng tại Lai Châu, chỉ trong 3 ngày, mưa lũ đã gây thiệt hại lên tới 270 tỷ đồng. Mỗi khi những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng như thế xuất hiện, người ta lại càng thấm thía: Phải chi Tây Bắc còn rừng!
Đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Lai Châu bắt đầu từ đêm ngày 24/6 và tâm điểm là trận lũ lịch sử xảy ra vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày trên suối Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.
Chúng ta đều biết, với diện tích hàng triệu héc ta, rừng Tây Bắc ngoài vai trò là “mái nhà” đảm bảo an toàn sinh thái cho 3,7 triệu héc ta nội vùng và cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, còn có nhiệm vụ phòng hộ cho các nhà máy thủy điện: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà. Thế nhưng những năm gần đây, rừng Tây Bắc lại bị tàn phá nghiêm trọng với những “điểm nóng phá rừng” nhức nhối đến mức Thủ tướng Chính Phủ phải có ý kiến chỉ đạo như vụ phá rừng ở Mường Nhé, Điện Biên. Mất rừng, hồ chứa các nhà máy thủy điện về mùa khô cạn kiệt, mùa mưa xả lũ ngày càng căng thẳng. Mất rừng, lũ quét, lũ ống, lốc xoáy, sạt lở núi liên tiếp xảy ra với những hậu quả ngày một nặng nề hơn…
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có hàng nghìn héc ta rừng ở các tỉnh Tây Bắc bị xóa sổ. Chỉ riêng năm 2015, lực lượng chức năng các tỉnh trung tâm vùng Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng thì cháy rừng là nguyên nhân rõ ràng nhất. Thống kê trong 6 tháng đầu năm ngoái, tại 5 tỉnh vừa nêu, đã xảy ra 76 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 1.200 héc ta rừng. Nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do ý thức bảo vệ rừng yếu kém của con người gây ra, trong khi việc cứu rừng không đơn giản.
Ông Lò Thế Thi nói: “Nếu ở những khu vực, điểm có thể tiếp cận được thì sẽ dập trực tiếp. Nếu không, thường phải phát đường băng cản lửa để tổ chức đốt chặn, không để cháy lan ra diện rộng”.
Tuy nhiên, việc dân phá rừng làm nương, nhất là khai thác lâm sản trái phép mới là vấn đề “nóng” khiến Tây Bắc mất nhiều rừng. Đã có không ít chuyện thật như bịa. 3 năm trước đây, 131 hộ dân tại 5 bản của xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã thống nhất bằng văn bản phá rừng tập thể. Sau cuộc họp gồm đại diện của 5 bản: Lọng Tòng, Nà Nỏng, Nà Hựa, Bản Cát, Phiêng Lươn, một biên bản thống nhất phá rừng phòng hộ đã ra đời. Hậu quả là chỉ trong một buổi sáng, hơn 20 héc ta rừng phòng hộ đã bị 131 hộ dân của 5 bản chặt phá tan hoang.
Anh Cà Văn Cương, một hộ dân ở Bản Cát, xã Mường Hung, huyện Sông Mã cho biết: “Để đảm bảo cho đời sống, bà con nhân dân trong bản không nhận thức được hành vi của mình, tự ý đi phá khu rừng phòng hộ làm đất sản xuất”.
Một trong những điểm “nóng” nhất về phá rừng ở Tây Bắc là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Theo lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé: Vấn nạn dân di cư tự do chậm được giải quyết là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng.
Từ năm 2011 đến nay, có gần 400 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu di cư đến Mường Nhé. Để có đất sản xuất, các hộ dân này đã cố tình phá rừng và đã bắt đầu tấn công rừng đặc dụng trên địa bàn. Bên cạnh đó, không loại trừ các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng lý do thiếu đất sản xuất để từng ngày “rút ruột” các cánh rừng trên địa bàn. Thống kê trong 3 năm qua, tại các xã như Leng Su Sìn đã có gần 300 héc ta rừng bị tàn phá; xã Mường Nhé 150 héc ta; Chung Chải gần 30 héc ta…
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, thành lập các tổ công tác, rà soát và dự kiến các điểm nguy cơ bị xâm phạm rừng lớn để tổ chức tuyên truyền. Hai là xử lý các vụ việc, hiện tượng xâm phạm vào rừng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này chưa cao”.
Như vậy, có thể thấy, rừng ở Tây Bắc đã và đang bị tàn phá ở mức báo động. Mất rừng, Hệ lụy tất yếu là sự cuồng nộ ngày càng tăng của thiên nhiên, với lũ ống, lũ quét, bão, lốc, hạn hán, sạt lở đất. Chỉ tính từ đầu mùa mưa lũ năm 2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc đã có gần 100 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế hơn 5.000 tỷ đồng. Đây thực sự là những con số “biết nói”, là thông điệp không thể làm ngơ đối với tất cả chúng ta./.
Theo Thu Thùy/VOV - Tây Bắc