Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to khiến nhiều nơi bị ngập sâu, nhà cửa, tài sản của người dân trôi theo nước lũ.
Bất ngờ và bàng hoàng là cảm xúc của hơn 400 hộ dân ở TP Hà Giang sau hai ngày phải chạy lũ, bỏ lại nhà cửa. Nhiều tài sản giá trị bị nhấn chìm trong biển nước.
Ông Hoàng Đình Lợi, ở TP Hà Giang cho biết, từ năm 1962 đến nay, chưa từng thấy trận lũ nào lớn gây ra ngập úng như thế này. Nước lũ tràn vào nhà ngập sâu hơn 1m. Vợ ông Lợi phải bắc tạm bếp củi trên tầng 2 để có nước nóng nấu mỳ tôm ăn tạm qua ngày.
Do nước từ đầu nguồn đổ về với lưu lượng nước lớn, các Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 trên địa bàn xã Đạo Đức (Vị Xuyên) và Sông Lô 4 trên địa bàn xã Tân Thành (Bắc Quang) đồng loạt mở các cửa xả để hạn chế mức thấp nhất việc ngập úng cục bộ ở phía trên thượng lưu.
Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho rằng, việc xả lũ các hồ thủy điện là đúng quy trình và chỉ “hơi bị động” vì nước lũ lên quá cao.
>> Nước từ đầu nguồn đổ về với lưu lượng nước lớn, các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s. Lũ lên nhanh trong thời gian ngắn, nhiều người dân bị động bất ngờ không kịp trở tay, nhà cửa và nhiều tài sản có giá trị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Người dân Hà Giang cho rằng đây là hệ lụy của việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. |
Một số dòng sông lớn như sông Miện, sông Nho Quế, sông Lô, sông Chảy phải “cõng” trên lưng quá nhiều dự án thủy điện, thậm chí có từ 3-6 nhà máy thủy điện. Dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô, nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện là: Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Thái An, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Miện 6, và Thuận Hòa.
Những dòng sông cuồn cuộn đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ, lòng sông bị thắt thành khúc như túi nước trên cao đe dọa nguy hiểm người dân vùng hạ lưu.
Đầu năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm tra và ban hành thông báo nêu rõ từng sai phạm của hàng loạt nhà máy thủy điện trên địa bàn. Hồ chứa một số nhà máy thủy điện đã tích nước nhưng chưa có quy trình vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương phê duyệt; chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ.
Đặc biệt một số công trình đã đưa vào vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế. Thông báo này cũng chỉ ra một loạt nội dung tồn tại, yêu cầu khắc phục của thủy điện Sông Lô 2, thủy điện Suối Sửu 2, thủy điện Hạ Thành, thủy điện Thái An, thủy điện thanh thủy 2, thủy điện Sông Chảy 5, thủy điện Nậm Mạ 1, thủy điện Nậm Má, thủy điện Nho Quế 1, thủy điện Nho Quế 2, thủy điện Nho Quế 3…
Công tác quản lý nhà nước về thủy điện thời gian qua còn chưa tốt làm nảy sinh nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ảnh hưởng các công trình hạ tầng giao thông, hủy hoại môi trường sinh thái vùng hạ du.
Chị Nông Thị Trang, ở Hà Giang nêu ý kiến: “Ngập nước này là do thủy điện xả lũ. Chúng tôi là người dân cũng mong các đơn vị chịu trách nhiệm gây ra việc này cũng có giúp đỡ. Lần sau xả lũ cần có dự báo sớm để các đơn vị, doanh nghiệp và người dân có tinh thần chủ động ứng phó lũ lụt, nếu thực hiện được, tôi nghĩ rằng thiệt hại sẽ không đáng kể”.Nước lũ đang rút đi, nhưng những hậu quả nghiêm trọng trận lũ này gây ra chắc chắn sẽ còn phải khắc phục trong thời gian dài. Đây cũng là lúc cần xem xét quy hoạch xây dựng hệ thống thủy điện nhỏ gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản và hơn thế nữa là đang đánh đổi tài nguyên vì lợi ích của một số người.
Theo Sơn Lâm-Thành Trung/VOV1