Nếu làm đề án tốt, thời điểm chạy tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ có thể được rút ngắn, thực hiện từ 2040 thay vì sau năm 2050.
Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam.
“Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2019. Trong ảnh là Tàu Shinkansen của Nhật vận hành tốc độ 300 km/h. Ảnh: Hitravel
Năm 2018, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Trình Quốc hội phê duyệt đường sắt tốc độ cao trong năm 2019
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dựa trên nghiên cứu của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 50 tỷ USD (khoảng 1.114.000 tỷ đồng) sẽ sớm được triển khai.
Sau khi nghiên cứu thiết kế cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2019.
Đường sắt Việt Nam đã quá cũ kỹ và lạc hậu, cần sự đầu tư và thay đổi.
Trong đó, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, nhất là khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.
Giai đoạn 2020-2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h, đường đôi khổ 1.435mm; điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai...
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc-Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350km/h.
Có thể triển khai sớm hơn 10 năm
Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu phương án rút ngắn thời điểm vận hành tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ.
Cụ thể, theo Chiến lược của ngành đường sắt, tàu tốc độ cao 350 km mỗi giờ sẽ vận hành sau năm 2050, tuy nhiên Liên danh cho rằng thời gian như vậy là quá lâu.
Tuyến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam kéo dài theo địa hình, nếu khai thác tốc độ thấp quá lâu thì sẽ kém cạnh tranh hơn so với các phương tiện khác.
Cần quyết sách đúng đắn để phát triển đường sắt Việt Nam bị "bỏ quên" quá lâu.
Dự kiến giai đoạn trước năm 2030, hạ tầng đường ray cho tàu tốc độ 200 km mỗi giờ sẽ được xây dựng đảm bảo tích hợp tàu tốc độ cao trên 300km mỗi giờ. Các địa phương sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng với hành lang đảm bảo phục vụ đường sắt tốc độ cao giai đoạn hoàn chỉnh.
Giai đoạn 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ phải vận hành tàu tốc độ 200km mỗi giờ để làm quen kỹ thuật công nghệ, tổ chức chạy tàu thay vì theo kế hoạch phản đến 2040; khi nâng lên tốc độ đến 350km mỗi giờ thì cần phải có hệ thống đi kèm về khai thác vận hành, nhân lực trình độ cao mới đảm bảo an toàn.
Đề cập đến phương án giá vé cho tàu tốc độ cao, đơn vị Tư vấn cho biết, các nghiên cứu trước đây đã tính toán giá vé tàu bằng 50-70% giá vé phổ thông Vietnam Airlines. Song thời điểm này đã có nhiều hãng hàng không giá rẻ nên giá vé tàu tốc độ cao đang được tính toán lại để hấp dẫn hành khách.
Ngoài ra, giá vé phải tương ứng với mức thu nhập dân cư trong thời điểm tàu đưa vào khai thác.
Về phân kỳ đầu tư từng đoạn tuyến, đại diện tư vấn cho biết, theo các nghiên cứu trước đây thì tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM có lưu lượng hành khách lớn nhất nên sẽ được đầu tư trước.
Với tốc độ tàu 200 km mỗi giờ, thời gian dừng đỗ chỉ 1-2 phút ở mỗi ga thì từ Hà Nội đến Vinh chỉ mất hơn một giờ.
Hiện Bộ GTVT đang làm việc với một số tỉnh, thành để xác định hướng tuyến và vị trí các nhà ga của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam./.
Đường sắt lạc hậu cả trăm năm Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đường sắt cao tốc Bắc-Nam lẽ ra phải làm rồi, tuy nhiên muộn còn hơn không. Theo ông Minh, trước đây dự án đường sắt cao tốc trình đầu tư tổng thể cả gói nên nguồn vốn khổng lồ. Nếu phân kỳ đầu tư từng cung đoạn thì khả năng thực hiện sẽ dễ hơn, sau đó kết nối dần theo nhu cầu thị trường. “Không có nước nào trong vòng vài năm đầu tư xong được hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia. Bởi, nhanh nhất cũng mất 20 năm mới làm xong. Mỗi nhiệm kỳ phân bổ 5-7 tỷ USD (khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng) thì hoàn toàn làm được dự án đường sắt cao tốc", ông Minh nói. Chủ tịch VNR cho rằng, nhà nước nên lựa chọn khoản đầu tư nào mang lại lợi ích trước mắt nhanh đồng thời kết hợp xã hội hóa để giảm chi phí đầu tư. Ông cũng nêu thực tế, hiện nay Nhà nước đầu tư 5 tuyến đường bộ thì có nhất thiết phải 5 tuyến hay không? Hay chỉ nên đầu tư 2-3 tuyến và dồn tiền đầu tư đường sắt tốc độ cao để đường sắt có tuyến đôi thì sẽ phát huy hiệu quả rất nhiều... |
Theo Phi Long/VOV.VN