Những trò chơi trực tuyến có phần bạo lực đang trở thành mối nguy hại đối với người chơi khi áp dụng vào cuộc sống.
Trò chơi ảo, cái chết thật
Khởi phát từ nước Nga, trò chơi “Thử thách cá voi xanh” lan rộng ra một số nước, “săn tìm” những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương. Điều nguy hiểm của trò chơi này là nó khiêu khích người chơi thực hiện những hành vi tự hủy hoại bản thân trong vòng 50 ngày như: cắt cổ tay, xem phim kinh dị vào ban đêm... trước khi bước vào vòng “chiến thắng” là tự tử. Người chơi được yêu cầu quay phim và chia sẻ hình ảnh sau khi kết thúc mỗi cấp độ làm bằng chứng.
Trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh" đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, dẫn đến nhiều vụ tự tử thương tâm. (Ảnh KT)
Đã có hàng trăm thanh thiếu niên Nga tự tử khi tham gia trò chơi “Thử thách cùng cá voi xanh”. Một số nước khác cũng đã có những thanh niên tìm cách hủy hoại mình khi tham gia trò chơi.
Tại Việt Nam, tháng 4 vừa qua có thông tin trò chơi “Thử thách cá voi xanh” đã xuất hiện trong trường học ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Sau khi có thông tin, lãnh đạo huyện Cái Bè đã xác minh và cho biết chưa phát hiện học sinh nào tham gia trò chơi.
Dù chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc nào xảy ra do trò chơi này nhưng số bạn trẻ tìm hiểu về trò chơi này khá nhiều. Lê Dũng, học sinh cấp THCS, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nghe bạn bè nói về trò chơi, Dũng đã lên mạng tìm hiểu và thấy trò chơi rất nguy hiểm.
“Có lần em tìm kiếm game mới để chơi thì bất ngờ có thông báo bạn có muốn tham giả thử thách bản thân với game “Thử thách cá voi xanh” không, nhưng do biết tác hại của trò chơi này nên em không tải về” - Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, hiện có những game online rất bạo lực thu hút người chơi tập trung vào việc bắn giết vô tội vạ, khuyến khích người chơi bắn giết càng nhiều càng tốt. Nhiều người lo ngại, tính bạo lực trong game dễ kích thích giới trẻ thể hiện tính “anh hùng” ngoài đời.
Vẫn do buông lỏng quản lý
Chị Thu Quỳnh, Hoàng Mai, Hà Nội lo ngại: “Tôi đã cảnh báo các con về trò chơi nguy hiểm “Thử thách cá voi xanh” cũng như những trò chơi bạo lực khác nhưng vẫn thấy lo lắm. Hiện trên mạng đã xuất hiện video dạy cách chơi trò này. Lứa tuổi thanh thiếu niên thường nhanh chóng tiếp thu cái mới. Những trò chơi lạ, độc mang tính chinh phục dễ được bọn trẻ truyền tai nhau rồi tò mò tìm hiểu.
Game độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Không chỉ có trò chơi “Thử thách cá voi xanh”, những trò chơi trong game online có tính bạo lực ngày càng gia tăng. Trước đây các nhân vật chỉ đánh nhau bằng tay thì nay sử dụng những vũ khí có tính sát thương cao và giết được nhiều người chơi hơn. Tôi chỉ mong các ban, ngành chức năng quản lý chặt chẽ các trò chơi game online và ngăn chặn không cho trò chơi nguy hiểm “Thử thách cá voi xanh” du nhập vào Việt Nam”.
Lo ngại của chị Quỳnh là có cơ sở khi trước đây có hàng loạt các trào lưu khác nổ ra khi các em xem và làm theo những hướng dẫn trên youtube như: Chất nhờn ma quái, Quay tik tok, Ăn cay nhiều cấp độ...
Theo luật sư Trịnh Biển, Văn phòng luật sư Hồng Thái, về mặt luật pháp có hai văn bản chính là Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT của Bộ TT-TT quy định về quản lý, kinh doanh trò chơi trên mạng internet.
Trong đó, Thông tư 24 quy định khá chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có trách nhiệm tự phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi. Khi doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, cung cấp dịch vụ phải hiển thị phân loại trò chơi theo độ tuổi; đồng thời có thông tin khuyến cáo những tác hại với người chơi tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi...
Tuy nhiên do công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp cung cấp game chưa được chặt chẽ khiến không ít doanh nghiệp phớt lờ quy định.
Thông tư 24 cũng nêu rõ, người chơi khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi phải cung cấp thông tin cá nhân như họ, tên; ngày, tháng, năm, sinh, địa chỉ đăng ký thường trú, số chứng minh thư nhân dân hoặc số hộ chiếu, số điện thoại... Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi sẽ đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.
Về thời gian chơi cũng bị quản lý, ví như với trò chơi G1 (game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) thì người chơi dưới 18 tuổi không được chơi quá 180 phút mỗi ngày.
Quy định pháp luật là vậy nhưng trên thực tế, vì lợi nhuận chủ quán game không quản lý chặt việc khai báo thông tin của người chơi. Và cho dù trẻ có ở quán thâu đêm suốt sáng họ cũng mặc kệ. Vi phạm thì nhan nhản nhưng không thấy ai bị xử lý. Chính quyền địa phương cũng chỉ coi quán game như những cửa hàng kinh doanh khác mà buông lỏng quản lý, gây hệ luỵ cho xã hội.
Trong lúc các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý thì không có cách nào khác là phụ huynh phải quản lý con em mình. Theo bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc dự án vùng Hà Nội, Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, cha mẹ phải là người đầu tiên hướng dẫn trẻ cách sử dụng internet an toàn và kiểm soát để biết con mình làm gì trên mạng.
Tốt nhất là các bậc cha mẹ nên chặn các trang mạng xấu bằng cách cài đặt các chương trình bảo mật và các phần mềm ngăn chặn. Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý thay đổi, cha mẹ nên dành thời gian lắng nghe để biết con đang gặp khó khăn, vướng mắc gì còn kịp thời tư vấn cho con cách giải quyết, xử lý tình huống. Nếu không có người chia sẻ, trẻ dễ giải tỏa stress bằng những trò chơi trực tuyến hay tham gia vào những hội, nhóm có ảnh hướng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ./.
Về mặt luật pháp có hai văn bản chính quản lý, kinh doanh trò chơi trên mạng internet là Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT của Bộ TT-TT với những quy định khá chi tiết. Tuy nhiên do buông lỏng quản lý, vì lợi nhuận, các doanh nghiệp vẫn phớt lờ quy định.
Theo Minh Thư/Báo VOV