Các thành viên ASEM chia sẻ những thách thức nghiêm trọng mà Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các thành viên nhất trí hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sạt lở ở ven biển Trà Vinh. Ảnh: Hòa Hội.
Ngày 19/6, Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) với chủ đề “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai” do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Cần Thơ tổ chức đã khai mạc tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo cao cấp đến từ 53 thành viên ASEM, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế.
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong đó ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. “Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng. Hơn nữa, đó còn là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước”, Thứ trưởng Thành nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, những thách thức về biến đổi khí hậu với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt đang cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bao trùm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ASEM với tư cách là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á - Âu, động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng, ASEM cần xác định cách tiếp cận tổng thể, thống nhất trong nhận thức và hành động để gia tăng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị, với thế mạnh về vốn, công nghệ cao, ít phát thải, các thành viên phát triển trong ASEM cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp.
Cam kết tài trợ hàng trăm triệu euro
Các thành viên đồng sáng kiến như Australia, Myanmar, Đan Mạch đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị của Việt Nam nhằm thảo luận một cách tổng thể vấn đề biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững. Nhiều thành viên đồng sáng kiến nhấn mạnh ASEM cần đóng vai trò tiên phong trong việc đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).
Các thành viên cũng chia sẻ những thách thức nghiêm trọng mà Việt Nam, đặc biệt là 13 tỉnh ĐBSCL, đang phải đối mặt trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhất trí các thành viên phát triển trong ASEM cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu euro đã và đang được các nước cam kết tài trợ cho Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Cụ thể, EU tài trợ cho Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ 108 triệu euro thực hiện “Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”. Cà Mau chuẩn bị triển khai dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn” bằng vốn vay của ngân hàng KfW (Đức) với kinh phí 331 tỷ đồng. Chính phủ Đức cũng viện trợ không hoàn lại 5,1 triệu euro cho Bạc Liêu thực hiện 2 dự án “Quản lý bền vững hệ sinh thái vùng ven biển Bạc Liêu” và “Thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học”. Còn tại Ninh Bình, Hà Tĩnh và TP Cần Thơ đang được Pháp tài trợ trên 52 triệu euro để thực hiện dự án “Nâng cao khả năng thích ứng của các địa phương dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, sự tăng tần suất và cường độ của những hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng”…
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên ASEM phối hợp thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam về hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu giảm chất thải nhựa ra đại dương, được đưa ra và ủng hộ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ca-na-đa vừa qua. “Là 1 trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện các thỏa thuận khí hậu quốc tế trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, nhất là Nghị định thư Ki-ô-tô và Thỏa thuận Pa-ri”, Phó thủ tướng nói.
Theo Hòa Hội/Tiền phong