Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng xem xét các yếu tố kỹ thuật, an toàn để từ đó xử lý dứt điểm việc phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà 8B Lê Trực.
Hà Nội đang xem xét phương án xử lý giai đoạn hai tòa nhà 8B Lê Trực
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và quận Ba Đình về việc kiểm tra, đề xuất biện pháp giải quyết liên quan đến quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.
Cụ thể, sau khi xem xét kiến nghị của Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc (đơn vị được giao “cắt ngọn” tòa nhà giai đoạn 1), ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin, quá trình xử lý dứt điểm giai đoạn hai và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thang lồng tại 8B Lê Trực.
Quá trình xem xét, ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP và các yếu tố kỹ thuật và an toàn của công trình 8B Lê Trực.
Trước đó, cuối tháng 5/2018, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc đã có văn bản kiến nghị UBND TP giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực. Bởi từ khi kết thúc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) tháng 10/2016 tới nay, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để phục vụ xử lý giai đoạn 2 tại công trình 8B Lê Trực, hệ thống cẩu trục tháp và vận thăng lồng đã phơi sương, phơi nắng hơn 19 tháng (gần 2 năm) nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ tháng 10/2016, các đơn vị liên quan đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) tòa nhà 8B Lê Trực, đảm bảo đúng tiến độ và an toàn.
Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội và các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu phương án xử lý giai đoạn hai của tòa nhà 8B Lê Trực. Gần hai năm qua, TP Hà Nội và các sở ngành vẫn loay hoay phương án xử lý phần vi phạm tiếp theo tại tòa nhà 8B Lê Trực. Đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được thiết kế phá dỡ giai đoạn hai đảm bảo an toàn.
Qua quá trình xử lý giai đoạn một, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc nhận thấy tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn hai rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Trong khi đó, giải thích với báo chí, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, về mặt kỹ thuật, có nhiều khó khăn trong việc phá dỡ giai đoạn 2. “Nếu chúng ta dùng phương án cắt thì toàn bộ kết cấu sẽ bị ảnh hưởng, tác động tới các tầng còn lại, khi đó làm phá vỡ cả kết cấu của tòa nhà" – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung nói.
Trả lời UBND TP Hà Nội về xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng cũng không nêu ra phương án cụ thể mà chỉ yêu cầu chung chung: “Phương án phá dỡ hạng mục vi phạm công trình 8B Lê Trực phải đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, công năng sử dụng cho phần công trình còn lại sau khi phá dỡ và đảm bảo an toàn công trình lân cận”.
Theo Quang Phong/ Dân Trí