Có một câu chuyện không vui trên truyền thông ngay dịp đầu năm mới, đó là tình trạng bạo lực bệnh viện – người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ, khiến dư luận không khỏi buồn, bức xúc. Sự việc rất tệ, nhưng cứ tái diễn đòi hỏi giải pháp bảo vệ bác sỹ, những người đã và đang ra sức làm việc để bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân.
Nếu so sánh về số lượng y, bác sỹ với lượng công chúng thì quả là công chúng sẽ đè bẹp. Tiếng nói của y, bác sỹ sẽ không thể nào át được tiếng nói của số đông công chúng khổng lồ.
Do vậy, dễ hiểu trên mạng xã hội vô tận và một phần truyền thông chính thức, tình trạng phê phán, chửi bới y, bác sỹ khiến hình dung của phần đông công chúng về hình ảnh y, bác sỹ bị lệch lạc.
Trong khi đó, quá tải công việc, đội ngũ y, bác sỹ không thể có thời gian lên tiếng để bảo vệ mình. Vậy ai sẽ bảo vệ các y, bác sỹ trước đòn truyền thông nặng nề, trước sự manh động của người nhà bệnh nhân?
Đó cũng là phần chính nguyên nhân khiến hình ảnh của y, bác sỹ bị xấu đi không đúng hoàn toàn như thực tế. Truyền thông xã hội vô tình lập trình hình ảnh họ trong tiềm thức chúng ta, rằng các y, bác sỹ là lạnh lùng, là nhăm nhăm đòi phong bì, là quát mắng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, là “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”…
Nhưng khi nhìn nhận một cách công bằng, thì các y, bác sỹ trước hết là những con người với bản tính thiện. Hành vi của bác sỹ cũng đều xuất phát từ tâm thiện, mong muốn chữa bệnh, cứu vớt sinh mạng bệnh nhân, bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.
Chỉ có một vài “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, mà truyền thông quay lưng, xã hội mắng mỏ, thật bất công với đội ngũ các y, bác sỹ. Điều đó thực sự làm tổn thương tinh thần của họ.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng từng chia sẻ đầy xúc động, rằng phía sau những tấm áo blouse trắng là tâm hồn mong manh. Họ cũng cần được hiểu đúng, được cảm thông và chia sẻ với khó khăn, áp lực, với căng thẳng diễn ra hàng ngày, khi công việc khiến họ phải tiếp xúc với bệnh tật, với sự đau khổ và tuyệt vọng của bệnh nhân suốt cả cuộc đời đi làm.
Thử hỏi có thánh thần nào hóa giải được công việc đó thành nụ cười, thành sự ân cần chăm sóc suốt cả ngày đêm? Các y, bác sỹ cũng bị ảnh hưởng bởi công việc, cũng bị đau đớn khi đã gắng hết sức mà không cứu nổi bệnh nhân, bị kiệt lực khi phải giành giật nhiều giờ với thần chết để đem lại cuộc sống cho bệnh nhân, họ cũng tổn thương, dằn vặt khi bị hiểu lầm…
Chuyên gia NLP (lập trình ngôn ngữ thần kinh) Lý Hà Thu cho rằng, trước một hành vi của bác sỹ mà bệnh nhân hoặc người nhà của họ cho là không tốt, cần phải sáng suốt để thấy rằng, hành vi đó xuất phát từ nguyên nhân nào, có thể nguyên nhân lại chính từ người nhà bệnh nhân, chứ không phải xuất phát từ cái tâm không thiện. Chớ vội vàng kết luận, quy chụp về bác sỹ khi mình chưa đủ thấu hiểu, bởi “Con người không phải là hành vi của chính họ”.
Bên cạnh việc phê phán những sự việc chưa được tại các bệnh viện, trong ngành y nói chung, thì cũng cần công tâm nhìn nhận và ca ngợi những điều tích cực mà các y, bác sỹ và ngành y làm được.
Đơn cử, có bệnh viện được tiếng là hoàn toàn trong sạch, các y, bác sỹ đều nói “KHÔNG” với phong bì như bệnh viện Dệt May. Cũng tại bệnh viện này, ngay cả khi điều kiện vật chất còn thiếu thốn thì cũng không bao giờ thiếu y đức. Một hình ảnh thật xúc động nơi đây, là khi bác sỹ luôn cúi chào bệnh nhân, coi bệnh nhân là ân nhân của mình.
Cách cư xử và nét văn hóa đặc thù đó của bệnh viện Dệt May đã được nhiều người ghi nhận, và họ tin tưởng chữa bệnh, chuyển bảo hiểm y tế về nơi đây để được bệnh viện chăm sóc sức khỏe suốt đời. Không những thế, nhiều bệnh nhân còn giới thiệu người thân, bạn bè về chữa bệnh tại đây.
Kết lại bài viết này, tôi muốn trích lời của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng – Giám đốc bệnh viện Dệt May, rằng đối với ngành Y, thì giá trị cốt lõi là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh và người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện. Bất kể thời kỳ nào, thì “thầy thuốc phải như mẹ hiền”, trân trọng và nâng niu, giữ gìn tình cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc như những người thân thiết.
Mỗi người chúng ta, trước khi có sự việc bất ý xảy ra nơi bệnh viện, chớ vội đổ lỗi cho thầy thuốc mà lao vào hành hung họ, hoặc truyền thông làm tổn thương họ, hãy níu lại vài phút bình tĩnh mà nghĩ đến giá trị cốt lõi ấy của nghề thầy thuốc và đồng cảm với các y, bác sỹ.
Bởi xét cho cùng, “bạn là tấm gương phản chiếu chính bạn”, những gì xảy đến cho bạn ngày hôm nay, kể cả bệnh tật, là kết quả của những điều bạn tạo nên ngày hôm qua, khi phải tới bệnh viện, nghĩa là bạn cần đến bàn tay và trí tuệ của bác sỹ để giúp đỡ bạn sửa chữa hậu quả từ những điều bạn đã gây ra. Nghĩ được như vậy, bạn sẽ thấy lòng an yên, thấy trân trọng và biết ơn người thầy thuốc.
Theo Trần Khanh/Giáo dục và Thời đại