Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 4/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về các vấn đề thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; kiểm soát, giảm thiểu tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Giảm nguồn thải từ giao thông
Quan tâm đến vấn đề ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dẫn số liệu bảng tin hàng ngày, cứ 10 ngày thì 9 ngày người dân Hà Nội hít thở không khí có bụi quá mức cho phép. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên?
Còn theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo thống kê, có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng... Mặc dù đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 155 về xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm không khí... nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại và có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. “Bộ có kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này không? Có giải pháp cụ thể và căn cơ nào không?” đại biểu nêu câu hỏi.
[Lựa chọn các vấn đề chất vấn - không né tránh với các vấn đề nóng]
Thừa nhận ô nhiễm không khí là rất lớn nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ông không đồng tình với số liệu đại biểu Nguyễn Anh Trí đã nêu bởi đây là công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức, chỉ mang tính cục bộ. Trong khi đó, các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.
Theo Bộ trưởng, việc ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn liên quan đến giao thông và hoạt động xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong cả nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí, từ đó biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào, sau đó công bố toàn bộ số liệu để nhân dân biết chính xác. Bên cạnh đó cần giảm nguồn thải giao thông, kiểm soát ô nhiễm bụi từ hoạt động này, kiểm soát ô nhiễm từ các loại xe, các phương tiện khi vào thành phố; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch…
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận và khẳng định với những thông tin đại biểu có và với chuyên môn của một bác sỹ, thì bụi đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.
Đến năm 2030 phải có nhà máy phát điện sử dụng công nghệ xử lý rác
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra, việc xử lý chưa hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất sinh hoạt của nhân dân, nhất là trên các sông Đáy, sông Nhuệ... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và những giải pháp trước mắt, lâu dài để khắc phục vấn đề này?
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chỉ rõ hiện nay bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do rác thải và phế liệu. Xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của chính quyền địa phương, cũng như lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Công Nhường chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn lựa chọn công nghệ xử lý rác thải Việt Nam và giới thiệu mô hình ở các địa phương thực hiện. “Vậy đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất được vấn đề này để chuyển giao, khuyến cáo mô hình cho người dân chưa?"
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm các lưu vực sông là diễn biến đến nay chưa đảo ngược được. Thời gian qua, về nguồn xả thải với các nhà máy, khu công nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước đã cơ bản kiểm soát được chất lượng nước thải. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc thu gom nguồn nước thải sinh hoạt khi có đến 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, các cụm công nghiệp cũng chưa kiểm soát được trong khi nguồn lực nhà nước có hạn.
Theo Bộ trưởng, việc xác định trách nhiệm đến nay đã có tiến triển bước đầu là có thể xác định được nguồn nước thải và trách nhiệm của từng địa phương. Hà Nội đã có cơ chế xã hội hoá tham gia xử lý nước thải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong đó nhấn mạnh việc xác định từng thành phố phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình. Ngoài ra, cần huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải, có công nghệ thích hợp để xử lý phân tán và xử lý chung.
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, “rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay”, đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch; Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện./.
Theo Phan Phương - Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)