Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, nhiều người vẫn lợi dụng tôn giáo để phá hoại chính sách pháp luật của nhà nước, làm bại hoại xã hội.
Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Về tự do tín ngưỡng tôn giáo, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, các hoạt động lễ hội văn hóa trên cả nước được tổ chức rất hiệu quả, trang nghiêm, vui vẻ như: Lễ hội Khai ấn đền Trần, Lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện hàng loạt các Hội thánh Đức chúa trời Mẹ ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đại biểu quốc hội Thích Bảo Nghiêm. (Ảnh: KT)
Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, đây thực sự là một việc đáng báo động, nguy hiểm, bởi nó phá thuần phong mỹ tục của người Việt. “Đập bỏ bàn thờ tổ tiên, nghĩa là xóa bỏ dân tộc Việt, thứ hai là làm cho con người ta mê muội, bỏ ăn, bỏ làm mà chỉ đợi đến ngày tận số”- đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói.
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho biết, mới đầu nghe đến tà đạo lạ này tưởng là mới nhưng khi báo chí vào cuộc, thì Hội này đã xuất hiện từ năm 2015 đến giờ, rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước.
“Bây giờ nếu chúng ta không có một chế tài, các ngành các cơ quan pháp luật không vào cuộc một cách triệt để thì một 'cái nảy sảy cái ung'”- ông Thích Bảo Nghiêm cho biết. Đồng thời, ông cũng cho rằng, vấn đề tôn giáo không thể xem thường, bởi vẫn còn nhiều người lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để phá hoại đoàn kết dân tộc, phá hoại chính sách pháp luật của nhà nước, phá hoại tình yêu nước của người dân.
“Chúng ta đã có Luật Tín ngưỡng tôn giáo, nhưng để Luật thực sự có hiệu quả, theo tôi Chính phủ phải có chế tài mạnh mẽ để vừa đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo nhưng một mặt cũng phải siết chặt để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, trước các đạo lạ, văn hóa độc hại xuất hiện với mục đích phá hoại làm bại hoại xã hội”- đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho biết.
Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nêu ý kiến, nên có những định hướng, chủ trương chính sách trong vấn đề quản lý văn hóa, phát triển văn hóa nghệ thuật mang tính chất giáo dục, định hướng để xây dựng con người Việt Nam đến chân, thiện, mỹ.
“Mong muốn, thời gian tới Chính phủ nên có một chiến lược, quy định quyết liệt hơn, cụ thể rõ nét hơn để những nguyên nhân sâu sa về văn hóa con người, văn hóa làm người cần phải được chấn chỉnh”- đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nói.
Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu. (Ảnh: KT)
Khẳng định văn hoá là động lực tinh thần, là nền tảng xã hội, Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, hiện tượng các pho tượng "quái thú" ở điểm du lịch Hòn Dáu - Đồ Sơn (Hải Phòng), lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam văng tục phát tán trên mạng xã hội... là những vấn đề hết sức đáng lo ngại.
“Tôi xin đề xuất và cũng là tâm nguyện của cử tri rằng những người có đủ tâm huyết, trình độ, năng lực và yêu đất nước hãy nên làm việc trong ngành văn hoá cho xứng tâm, xứng tầm, không thì rất nguy hiểm"- ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN