Đến thời điểm này, đã sau 3 năm xã về đích nông thôn mới (NTM). Thế nhưng, hàng chục hộ dân ở 2 ấp Trường Ninh và Trường Ninh A của xã Trường Long huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) vẫn đang phải sống cảnh “3 không”: Không điện, không đường, không nước sạch.
Ông Sang bên chiếc bình ắc quy vừa sắm để cải tiến thay vì đã dùng đèn dầu 30 năm nay. Ảnh: TRẦN TUẤN
“3 không” giữa thời hiện đại
Ngày 17.5, để vào được cái ấp “3 không”, chúng tôi phải cuốc bộ men theo con đường đất dọc kênh Rau Mui. Thế nhưng, đi được nửa đường thì không thể tiếp tục vì lối đi quá hẹp, cây cối um tùm chắn ngang. Không bỏ cuộc, chúng tôi đành thuê một người dân dùng ghe chở vào.
Thấy khách lạ là nhà báo đến, ông Võ Thành Sang (70 tuổi, trú ấp Trường Ninh) hớn hở từ trong nhà ra đón rồi cầm tay kéo khách bước lên bờ. Vừa mới vui đó, ông Sang lại buồn ngay khi chúng tôi hỏi đến tình hình đời sống.
“Khổ lắm chú ơi. Tôi ở đây từ năm 1979 mà đang phải sống cảnh 3 không. Đó là không điện, không đường, không nước”. Nói rồi ông Sang đưa ra cái bình ắc quy cùng với cái đèn dầu.
“Dùng đèn dầu mãi rồi, hai năm trước, tui phải sắm cái bình ắc quy này để thắp sáng. Có khi hết điện chưa đi sạc kịp lại phải đưa đèn dầu ra dùng” - ông Sang than thở.
Còn nước thì hằng ngày, gia đình phải hứng nước mưa tích trữ. Đợt nắng kéo dài không có nước mưa thì phải múc nước kênh đục ngầu lên lắng lọc để dùng.
Liền bên cạnh là nhà bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi) cũng sống trong tình cảnh tương tự. Bà Chín cho biết, gia đình đã sống ở đây từ năm 1994 đến nay. Đất nhà đã có sổ đỏ từ lâu. Tiếp nữa là nhà chị Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) cũng đã sống ổn định tại đây gần 30 năm.
Theo chị Chi, không có điện, gia đình phải dùng đèn dầu hàng chục năm nay. Quá khổ, cuối năm ngoái, chị phải “cải tiến” mua cái bình ắc quy về thắp sáng cho con học bài. Còn việc xem tivi, nghe đài là xa vời đối với gia đình. Thành ra cứ mù tịt thông tin.
Nhiều hộ dân khác ở ấp Trường Ninh này, và ở bên kia kênh Rau Mui là ấp Trường Ninh A cũng chung tình cảnh tương tự. Họ cho biết, đã nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, đều có ý kiến. Sau đó, chính quyền cũng đã từng khảo sát và hứa chậm nhất đến cuối năm 2017 là có điện. Thế nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Vì sao vẫn được về đích NTM?
Ông Lê Văn Ảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long - thừa nhận, đúng là xã Trường Long đã về đích NTM từ năm 2016. Thế nhưng, hiện nay xã đang có 24 hộ dân của ấp Trường Ninh và Trường Ninh A đang phải sống cảnh “3 không”.
Trong đó, ấp Trường Ninh có 19 hộ, ấp Trường Ninh A có 5 hộ. Đây cũng là vấn đề “nóng” nhất mà trong rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến, kiến nghị lên chính quyền, lãnh đạo các cấp.
Ông Ảnh cũng thông tin, đúng là có đợt, lãnh đạo huyện đã hứa chậm nhất là tháng 12.2017 sẽ có điện cho các hộ dân ở đó. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện hồ sơ, bản vẽ về thiết kế đường điện đã được Phòng kinh tế hạ tầng huyện phối hợp cùng chính quyền xã Trường Long hoàn thiện với chiều dài 1.003m. Tính cả hạ thế hai ấp nữa thì hết toàn bộ 3.449m. Thế nhưng, cái khó là hiện đang phải chờ nguồn vốn từ trung ương và chủ đầu tư là Sở Công Thương TP.Cần Thơ.
“Điện là cái cần thiết nhất, phải ưu tiên trước. Sau khi có điện rồi sẽ tính tiếp đến nước, đến đường giao thông. Khi có điện rồi, trước hết, dân có thể dùng tạm giếng khoan, sau đó tính đến nước sạch và đường giao thông” - ông Ảnh nhìn nhận và kiến nghị cấp trên khẩn trương triển khai kéo điện cho dân.
Ông Ảnh cũng thông tin, 24 hộ đang sống cảnh “3 không” đó đã ở ổn định, có sổ đỏ (GCNQSDĐ) từ lâu. Với câu hỏi, tại sao xã có đến 24 hộ dân của 2 ấp chưa có điện mà vẫn được chấm về đích NTM từ 3 năm trước?, ông Ảnh nói cái đó thì vẫn đảm bảo. Bởi trên đã biết chuyện này từ lâu rồi.
Ông Ảnh bảo mình nắm không rõ chỉ tiêu về các tiêu chí để xã đạt NTM. Nhưng theo ông nghĩ thì số hộ đó không ảnh hưởng gì lắm đến chỉ tiêu về đích NTM.
Ông Hoàng Chí Thanh - Chánh Văn phòng UBND huyện Phong Điền - cho biết, do ở trong kênh Rau Mui thuộc xã Trường Long chỉ còn ít hộ dân chưa có điện nên ngành điện lực họ đang tính toán đến hiệu quả kinh tế khi đầu tư hạ tải, kéo đường điện. Còn về vấn đề xã hội thì huyện đang bàn, đang tính phương án để thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn nên cũng chưa thể trong “một sớm, một chiều” mà làm được. Huyện sẽ cố gắng để triển khai được trong năm 2018 này.
Ông Thanh cũng thông tin, huyện Phong Điền đã về đích NTM từ năm 2015. Với câu hỏi, tại sao nhiều hộ dân xã Kỳ Long sống cảnh “3 không” mà xã và huyện vẫn về đích NTM được thì ông Thanh từ chối trả lời...
Theo Trần Tuấn/Lao động Online