Theo tính toán của các chuyên gia, việc tăng thuế thuốc lá lên 2000 đồng/một bao thuốc vừa tăng ngân sách nhà nước, vừa giảm được tỉ lệ người hút thuốc, qua đó giảm được tỉ lệ tử vong do hút thuốc. Đồng thời sẽ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh do thuốc lá gây ra.
Tăng thuế thuốc lá rè rặt
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Tài chính hiện đề xuất hai phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng thuốc lá.
Phương án 1: áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối) từ năm 2010. Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng một điếu xì gà.
Phương án 2: tăng thuế suất thuế theo lộ trình, năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, một năm sau tăng lên mức 85%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70% (áp dụng từ năm 2016 đến 2018); đến năm 2019 sẽ tăng lên 75%.
Tăng thuế thuốc lá từ 2.000 - 5.000 đồng/bao thuốc sẽ ngăn được ít nhất 1,8 triệu người hút thuốc, giúp giảm tử vong sớm cho 900 ca.
Trong hai phương án này, Bộ Y tế ủng hộ phương án một. Bởi với mức thuế 70% giá xuất xưởng như hiện nay khiến giá thuốc lá tại Việt Nam rẻ gần nhất thế giới. Một bao thuốc 10 - 20 nghìn đồng, rẻ nên người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, mức tăng thuế cần tăng lên ít nhất là 2.000 đồng/1 bao 20 điếu, hoặc tăng thuế tuyệt đối thuốc lá tới 5.000 đồng/1 bao mới có thể tiến tới giảm tỷ lệ hút xuống 39% theo mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, một bao thuốc nếu có giá bán ra 10.000 đồng thì mới thu 3.500 đồng tiền thuế. Nếu áp thêm 2000 đồng một bao thì sẽ thu khoảng 5.500 đồng tiền thuế.
Còn nếu muốn bằng mức trung bình thế giới, 1 bao thuốc 10.000 đồng sẽ phải thu về 5.800 đồng tiền thuế. Còn mức thuế lý tưởng mà WHO đưa ra thì một bao thuốc phải thu được 7.000 đồng tiền thuế.
Theo tính toán, nếu việc tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao có thể giảm được 1,8 triệu người hút, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm.
“Cá nhân tôi đánh giá tăng thuế thuốc không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thuốc lá. Điển hình là Thái Lan, đã tăng thuế 600% so với giá xuất xưởng, sản lượng thuốc lá cơ bản ổn định với 2 tỷ bao nhưng nguồn thu ngân sách tăng từ 500 triệu lên 2 tỷ đô", bà Hải nói.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng ủng hộ phương án một. Ông cho rằng, Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá gần như thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Cam-pu-chia) và rất thấp so với các nước phát triển.
Bởi trên thực tế, với mức thuế 70% hiện nay giá bán lẻ mỗi bao thuốc chỉ tăng vài trăm đồng. Ví dụ với bao thuốc lá 10 nghìn đồng, áp thuế 70% giá xuất xưởng như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc chỉ thêm 300 đồng. Vì vậy ông đề xuất mức tăng phải đạt 2.000 – 5.000 đồng.
"Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc nam giới từ 45,3% xuống còn 39% vào năm 2020. Nếu mức thuế tuyệt đối chỉ 1.000 đồng/bao, mục tiêu trên khó thành hiện thực. Còn khi tăng lên 5.000 ồng/bao sẽ đạt mục tiêu và còn có thể giúp tăng thu cho ngân sách khoảng 10.700 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ.
Tại Việt Nam, tổn thất do sử dụng thuốc lá trung bình hàng năm lên tới hơn 1,1 tỷ USD (24.679 tỷ đồng) trong đó bao gồm các chi phí y tế cho một loạt các bệnh như ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ,…và gây ra cái chết của hơn 40 nghìn ca bệnh mỗi năm
Thái Lan thu thuế thuốc lá 600% so với giá xuất xưởng
Trong chuyến nghiên cứu học tập mô hình phòng chống thuốc lá tại Thái Lan do Liên minh Phòng chống tác hại của thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) phối hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (Health bridge Canada) cuối tháng 4/2018, TS Chonlathan Visaruthvong, Cục thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan cho rằng, tỷ lệ thuế của Việt Nam so với Thái Lan là quá thấp.
Giáo sư Prakit Vathesatogkit cho biết Thái Lan đã tăng thuế 11 lần, tăng thu ngân sách cho Chính phủ lên 4 lần, giảm được 7 triệu người hút thuốc lá. Ảnh: H.Hải
Thống kê của WHO năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá chỉ hơn 35%, trong khi trung bình thế giới là gần 59%. Trong khi Thái Lan là 75%, Brunei 81%, Malaysia 57%, Đức 75%, Pháp 80%...
“Với giá bán lẻ 35% của Việt Nam, ví dụ một bao thuốc lá giá 1 USD chính phủ chỉ thu được 35 cent, ngành công nghiệp thuốc lá mang về 65 cent. Ngược lại ở Thái Lan, với mức giá 75%, ngành công nghiệp thuốc lá chỉ nhận được 26 cent và chính phủ thu về 75 cent", TS Chonlathan nói.
"Thái Lan là một quốc gia tăng thuế thuốc lá rất đều, là một biện pháp vô cùng quan trọng để giảm tỉ lệ hút thuốc lá. Nếu Thái Lan áp theo cách tính thuế của Việt Nam, thì thuế thuốc lá phải là 600% giá xuất xưởng. Và học đã thành công trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá từ 32% năm 1991 xuống còn 19% vào năm 2017, hạn chế được thêm 7 triệu người hút. Trong khi đó sản lượng thuốc lá hàng năm vẫn giữ nguyên ở mức 2.000 triệu mỗi năm (do tăng dân số cơ học). Nhãn cảnh báo tác hại thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 50% diện tích bao thuốc, trong khi ở Thái Lan là 85%", ông Quang nói.
Chợ nổi Floating market Dumnoen Saduak Thái Lan, nơi thực hiện điểm mô hình không khói thuốc. Luật của Thái Lan cũng quy định không được hút thuốc ở tất cả các chợ. Ảnh: H.Hải
Giáo sư Prakit Vathesatogkit, người sáng lập quỹ Quỹ nâng cao sức khỏe Thái Lan (ThaiHealth) cũng đánh giá chính sách tăng thuế thuốc lá là vô cùng hiệu quả để giảm tỉ lệ người hút thuốc, tạo nguồn thu cho chính phủ.
Trong vòng 29 năm, từ 1989 đến nay Thái Lan đã tăng thuế thuốc lá 11 lần. Giá thuốc lá tăng từ 15 bath mỗi bao lên 65 bath mỗi bao (hơn 45.000 đồng tiền Việt).
Kết quả, thu ngân sách của chính phủ tăng gần bốn lần, tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 59% xuống 41.6%; tỉ lệ hút thuốc chung giảm từ 32% xuống 21,4%.
Trong khi đó tại Việt Nam, tiêu thụ hơn 4,3 tỷ nhưng thuế thu về chỉ khoảng 700 USD.
Nghiên cứu của WHO cho thấy, nếu tăng thuế thuốc lá sao cho giá bán lẻ tăng thêm 10% sẽ giúp giảm 4% tiêu dùng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và giảm khoảng 8% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình và giúp tránh được 10 triệu ca tử vong sớm (9 triệu ca ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và 1 triệu ca ở nước có thu nhập cao). Một mức tăng 70% trong giá bán thuốc sẽ ngăn chặn được tới 1/4 các ca tử vong do thuốc là gây ra trên toàn thế giới.
Ông Quang cho biết, Quỹ nâng cao sức khỏe Thái Lan (ThaiHealth) đã giúp Bộ Y tế Việt Nam xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Chậm nhất cuối năm 2018 Việt Nam sẽ xem xét cho ý kiến dự án luật phòng chống tác hại rượu bia, có thể tháng 5/2019 sẽ thông qua luật này. Ông Quang cũng chia sẻ mong muốn Việt Nam sẽ thành lập được một quỹ chung nâng cao sức khỏe như Thai Health. Bởi đây là một cơ quan nhà nước nhưng độc lập, có kinh phí và cách thức vận hành rõ ràng, kinh phí thu từ phụ thu thuế thuốc lá và rượu bia, không lấy từ ngân sách nhà nước. Quỹ không chỉ tập trung các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia mà hợp nhất nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, như tuyên truyền dinh dưỡng, lối sống, tăng cường thể dục thể thao. |
Theo Hồng Hải/Dân trí