Cả nước hiện có 3,7 triệu ôtô và 57 triệu xe máy đã đăng ký, mỗi ngày lại có thêm 850 ôtô và 9.000 xe máy đăng kí mới khiến thách thức về giao thông tại Việt Nam là rất lớn.
Mỗi ngày cả nước lại có thêm 850 ô tô và 9.000 xe máy đăng kí mới. Ảnh: M.Q
Theo ông Nguyễn Hồng Trường - Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang phải trải qua quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa với tốc độ cao. Đi kèm với nó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy. Từ đó kéo theo những hệ lụy như tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường do khí thải.
Ước tính mỗi năm, toàn quốc có gần 9.000 người tử vong vì TNGT, tổng thiệt hại kinh tế khoảng 2,5 – 3% GDP.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, tính đến tháng 3.2018, cả nước hiện đang có 3,7 triệu ôtô và 57 triệu xe máy đã đăng ký, mỗi ngày lại có thêm 850 ôtô và 9.000 xe máy đăng kí mới.
Thách thức về giao thông tại Việt Nam là rất lớn, ngoài ùn tắc và tai nạn giao thông thì hiện nay ô nhiễm môi trường từ giao thông đã tăng rất cao, nhất là ở Hà Nội và TPHCM.
“Hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi đó ý thức lái xe, thói quen sử dụng rượu bia, hành vi lái xe chưa tốt… là những điều khiến cho TNGT vẫn đang ở mức cao tại nước ta” – ông Minh nói.
Trong khi đó, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018, TNGT ở TPHCM tăng 2 mặt, gồm số vụ và số người chết. Cụ thể: Trong 4 tháng đầu năm, TPHCM xảy ra 1.085 vụ TNGT, tăng 35 vụ với 240 người chết (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Một vụ tại nạn giao thông ở TPHCM. Ảnh: C.N
Để giải quyết thách thức từ việc gia tăng ôtô xe máy, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng cần ý chí chính trị và nỗ lực của trung ương và các địa phương, trong đó hợp tác giữa 3 nhà là Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Và việc hợp tác, phân tích số liệu, học tập các mô hình đã được kiểm chứng là rất quan trọng.
Trong kho đó, TS Trần Hữu Minh cho hay, với mục tiêu giảm từ 5 – 10% tai nạn giao thông mỗi năm, các ngành chức năng đang nỗ lực nhiều giải pháp như duy tu phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin, giáo dục ý thức tham gia giao thông, hoàn thiện thể chế, xây dựng văn hóa giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng và nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ… đặc biệt, việc tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm giao thông được nhiều đại biểu ủng hộ.
Theo M.Q/Lao động Online