Giải pháp tháo “ngòi nổ” cho BOT Cai Lậy vẫn chưa có, dù có đến 5 phương án được đưa ra, còn thời hạn tạm dừng thu phí đã trôi qua tới mấy tháng...
Sau hơn 4 tháng phải “xả trạm”, ngừng thu phí do phản đối của người dân, để Bộ GTVT có phương án báo cáo Chính phủ, cho tới nay trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa được phép thu phí trở lại.
Phương án nào cho BOT Cai Lậy?
“5 phương án, 1 lựa chọn”
Mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ, với 5 phương án xử lý đối với trạm thu phí này.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, phương án thứ nhất sẽ giữ nguyên vị trí Trạm BOT Cai Lậy như hiện tại và tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Phương án 2: Lập thêm một trạm thu phí nữa trên tuyến tránh và tiến hành thu phí tại cả hai trạm. Phương án 3: Giữ nguyên vị trí trạm cũng như mức giá thu phí như hiện nay.
Mỗi lần thu phí, người dân lại tụ tập phản đối gây ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy.
Phương án 4: Đưa trạm thu phí về tuyến tránh Cai Lậy. Phương án 5: Đàm phán với nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng tương tự như hợp đồng BLT (xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao), đồng thời xóa bỏ Trạm BOT Cai Lậy hiện nay. Với phương án này, sẽ không tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án nữa mà dùng ngân sách Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký.
Mặc dù đưa ra cả 5 phương án nhưng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT vẫn kiến nghị ưu tiên lựa chọn phương án thứ nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách Nhà nước nhưng vẫn giảm được một phần chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Đã quá thời hạn tạm dừng thu phí nhưng BOT Cai Lậy vẫn chưa có phương án thu phí trở lại.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm, cả 5 phương án xử lý đều đã được đưa ra thảo luận hai lần tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trong hai cuộc họp này, đa số các bộ, ngành đều đánh giá phương án giữ lại trạm BOT Cai Lậy và tiếp tục giảm giá, mở rộng phạm vi miễn giảm là khả thi nhất.
Bộ GTVT nói hợp lý, người dân bảo không
Sau khi nghiên cứu 5 phương án mà Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, một số chuyên gia giao thông, người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến vẫn đề nghị di dời trạm thu phí về tuyến tránh Cai Lậy.
Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, phương án hợp lý nhất là phương án được lòng dân nhất, được sự đồng thuận của người dân. Còn cứ nói là “hợp lý”, “tối ưu” mà dân không đồng thuận thì chưa giải quyết được vấn đề.
Theo các chuyên gia về giao thông, phương án hợp lý nhất là phương án được lòng dân nhất, được sự đồng thuận của người dân, còn các phương án khác khó có thể chấp nhận.
“Trạm thu phí phải đặt đúng vị trí đường tránh là đường đầu tư mới, còn đặt ở QL1A là sự bất hợp lý cả về luật, tính khoa học, sự trung thực, minh bạch trong vấn đề đầu tư, đặt trạm. Phương án hợp lý nhất là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, còn các phương án khác khó có thể chấp nhận”, TS Thủy nói.
Còn TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, đối với vấn đề đang tồn tại ở trạm BOT Cai Lậy, sẽ không thể có phương án giải quyết nào tuyệt đối. Tuy nhiên, do hiện nay vẫn còn nhiều trạm thu phí có vấn đề tương tự như BOT Cai Lậy và đặc biệt vấn đề của BOT Cai Lậy từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, nên Bộ GTVT cần đặc biệt cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng đưa ra phương án hợp lý nhất để tránh những hiệu ứng không tốt có thể sẽ phát sinh.
Đưa ra phương án nào để lựa chọn, xử lý BOT Cai Lậy lúc này cũng là rất khó. Vì vậy, cần một quyết định có tầm nhìn dài hạn, tôn trọng những nguyên tắc căn bản và dựa trên lợi ích của người dân.
"Phương án tốt nhất là làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tức là làm sao vừa đảm bảo bảo đời sống người dân vừa đảm bảo ngân sách Nhà nước không bị thâm hụt lớn và doanh nghiệp cũng không phải chịu nhiều thiệt thòi", ông Cao Sỹ Kiêm phân tích.
“Quả bom hẹn giờ” BOT Cai Lậy chỉ được tháo “ngòi nổ” khi đưa ra được phương án tối ưu. Việc quyết định phương án xử lý BOT Cai Lậy không chỉ giải quyết một điểm nóng giao thông kéo dài từ năm 2017 sang năm 2018, mà còn làm tiền đề để gỡ vướng cho những trạm thu phí BOT gặp các vấn đề tương tự khác.
Đưa ra phương án nào để lựa chọn, xử lý BOT Cai Lậy lúc này cũng là rất khó. Vì vậy, cần một quyết định có tầm nhìn dài hạn, tôn trọng những nguyên tắc căn bản và dựa trên lợi ích của người dân.
Cả nước hiện có 88 trạm BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, các địa phương quản lý 14 trạm. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong số này có 9 dự án BOT được triển khai trên nền đường cũ và tuyến tránh tương tự BOT Cai Lậy.
Liệu có phải Bộ GTVT đang sợ BOT Cai Lậy sẽ trở thành “án lệ” khi gỡ rối, vì một số BOT khác hiện đang trong tình cảnh tương tự?.
Theo Phi Long/VOV.VN