“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.
Những vụ việc cà phê nhuộm lõi pin độc hại, trứng gà công nghiệp được tẩy trắng bằng hóa chất để thành gà ta, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả… vừa bị phát hiện đã minh chứng rõ câu nói của một vị đại biểu Quốc hội “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.
Hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm vẫn chưa dứt, thậm chí còn vang to hơn trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đang diễn ra.
Thực phẩm bẩn, nỗi lo thường trực nhưng thật khó tưởng tượng được hành vi dã man này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Từ những vụ việc thực phẩm bẩn cho thấy, quyền thông tin về hàng hóa và quyền được an toàn của người tiêu dùng đều không được đảm bảo. Người dân sẵn sàng chấp nhận giá đắt nhưng việc mua được sản phẩm tốt hay không là cả một vấn đề.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Kiểm soát thực phẩm phải quản lý theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu thông phân phối và đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng chuỗi thực phẩm ở nước ta thực hiện chưa tốt. Người tiêu dùng hiện nay vẫn rất mông lung. Rất khó cho họ khi thấy rất nhiều điểm bán hàng trưng biển rau sạch, sản phẩm sạch nhưng có đúng là sạch hay không? Lấy gì để đảm bảo, cũng có tem đảm bảo nhưng tem đó ai cấp và người tiêu dùng không biết là tem do cơ quan có thẩm quyền dán hay người ta tự dán”.
Chuỗi thực phẩm chưa được kiểm soát đến nơi, đến chốn là cơ hội để cơ sở làm ăn chụp giật lên ngôi, còn cơ sở muốn làm ăn tử tế khó có điều kiện phát triển.
“Nếu vẫn còn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ vô cùng khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Tôi có tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội đi đến các lò giết mổ gia súc, gia cầm, vấn đề an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ chưa giải quyết được, hầu hết chưa giết mổ tập trung. Bản thân người sản xuất, kinh doanh không thực hiện nghiêm túc và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương thì không thể giải quyết được”, bà Trần Việt Nga thông tin thêm.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả, sản xuất bất hợp pháp, không có giấy phép lưu hành và không công bố sản phẩm. Theo tôi phải xử lý theo luật hình sự. Tôi được biết là đội quản lý thị trường và công an kinh tế theo dõi vụ việc này rất lâu mới phát hiện được”.
Điều trớ trêu là trước khi bị phát hiện sản xuất sản phẩm chữa ung thư giả từ than tre, nứa, Vinaca từng được "vinh danh" trong “Top 10 thương hiệu Việt Nam”, còn chủ cơ sở từng được tặng danh hiệu "doanh nhân tiêu biểu".
Theo Văn Hải-Phương Thoa/VOV1