Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, lượng máu thu được hàng năm mới đáp ứng từ 70-75% nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Chiều 13/3, tại Hà Nội diễn ra phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố và 3 cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia là Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an và Viện Huyết học- truyền máu Trung ương giai đoạn 2008-2017, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận hơn 10 triệu đơn vị máu (tương đương với hơn 2,5 triệu lít máu).
Số đơn vị máu thu được tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và đạt chỉ tiêu đề ra với mức tăng trung bình hàng năm là 8,5%. Số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, từ 71,6% (năm 2008) lên 91% (năm 2017). Số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh: từ 28,4% (năm 2008) còn 9% (năm 2012) và còn 2% (năm 2017).
Ban Chỉ đạo cho biết, phấn đấu đến năm 2022, tối thiểu đạt 2% dân số hiến máu.
Ông Lê Gia Tiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, tỷ lệ dân số hiến máu liên tục tăng hàng năm, từ 0,61% (2008) đến 0,78% (2012) và 1,6% (2017) và đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện nhắc lại đạt 30,5% năm 2009 và tăng lên 37,4% năm 2012 và đạt 41,5% năm 2017.
Còn nhiều địa phương có tỷ lệ dân số hiến máu thấp dưới 1%
Kết quả vận động và tiếp nhận máu trong 10 năm qua, tuy đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng lượng máu thu được hàng năm (theo khuyến cáo của WHO) mới đáp ứng từ 70-75% nhu cầu cấp cứu và điều trị; còn nhiều địa phương có tỷ lệ dân số hiến máu thấp dưới 1%. Tỷ lệ đơn vị máu hiến thể tích trên 250 còn thấp, chiếm khoảng 50%.
Báo cáo cũng cho thấy, hiện một số bệnh viện công lập chưa thực hiện tốt chính sách bồi hoàn máu cho người hiến máu tình nguyện khi cần phải truyền máu tại bệnh viện; chính sách bồi hoàn máu chưa được áp dụng trong các cơ sở y tế ngoài công lập. Công tác tôn vinh, khen thưởng cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích theo Quy chế 122/BCDDQG triển khai còn chậm ở Trung ương; một số quy định của Quy chế khó thực hiện và còn bất cập
Ở một số địa phương, đối tượng hiến máu vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, chưa tích cực mở rộng ra các đối tượng khác. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho công tác vận động hiến máu tình nguyện còn thiếu và chưa đầy đủ.
Đến năm 2022, tối thiểu đạt 2% dân số hiến máu
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay tính an toàn trong công tác truyền máu của Việt Nam cũng đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan.
Vì vậy, bên cạnh việc vận động người dân hiểu ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, ngành y tế cũng cần phải quan tâm đến các trang thiết bị, máy móc đảm bảo công tác hiến máu, truyền máu hiệu quả và an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại cuộc họp.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động hiến máu cứu người, thì rất cần thiết phải có những điểm hiến máu cố định. Điều này vừa đảm bảo về mặt chất lượng, sự an toàn, đồng thời tạo thuận lợi cho những người hiến máu.
Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, đã thảo luận 4 nhóm giải pháp, trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác vận động hiến máu tình nguyện trong tình hình mới, tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý cho công tác này; Đồng thời phát triển nguồn người hiến máu, với mục tiêu đến năm 2022, tối thiểu đạt 2% dân số hiến máu và đạt tỷ lệ 100% hiến máu tình nguyện.
Dự kiến Hội tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008-2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2018-2022 và tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện sẽ diễn ra ngày 5/4/2018./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN