Đề cập tới vấn đề một số trạm BOT được cho là đặt “nhầm” chỗ trên quốc lộ, làm đường một đằng nhưng thu phí một nẻo, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - khẳng định: “Không có chuyện đặt trạm nhầm chỗ, do chính sách thay đổi nên không còn hợp lí”.
Hiện nay, trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc được cho là đặt “nhầm” chỗ khiến người dân đi một đường nhưng lại phải nộp phí một nẻo, thậm chí không đi cũng phải nộp phí, gây nên bức xúc.
Điển hình như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài ở Hà Nội thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc, với mức 15.000 đồng/xe/lượt. Nhiều người dân thời gian qua cho rằng trạm này được đặt “nhầm” chỗ. Nỗi bức xúc chưa được giải quyết xong thì mới đây nhà đầu tư Vietracimex 8 lại đề xuất tăng giá phí gấp 3 - 4 lần, khiến các tài xế càng thêm bất bình.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đang thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, cách vị trí đặt trạm 40km.
Bộ GTVT thừa nhận về việc thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn cho dự án cách đó khoảng 40km. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, đổi lại cho việc người dân Hà Nội phải gánh phí cho người dân Vĩnh Phúc thì Chính phủ sẽ bù đắp bằng cách đầu tư cho TP Hà Nội nhiều công trình hạ tầng khác để người dân được hưởng thụ tốt hơn.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Nói trạm BOT đặt nhầm chỗ là không chính xác, có thể dùng từ là đến thời điểm này vị trí đặt trạm là chưa hợp lí”.
Bộ trưởng GTVT lý giải, để xem xét 1 điểm đặt trạm thu phí không chỉ có Bộ GTVT. Bộ Tài chính xem lý trình, vị trí ở đâu; Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng tham gia để cấp chứng nhận đầu tư; địa phương căn bản là có thỏa thuận.
“Làm gì có chuyện không tính. Tuy nhiên, thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy. Bây giờ, chính sách thay đổi nên cảm thấy không còn hợp lí. Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí. Ngay từ đầu là phải chuẩn” - ông Thể khẳng định.
Mới đây, một số địa phương đề nghị Bộ GTVT di dời trạm BOT. Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT cho rằng có những việc vượt thẩm quyền của nên Bộ này không thể giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT
Theo ông Nguyễn Văn Thể, mỗi trạm BOT có vị trí, ý nghĩa khác nhau. Đơn cử như trạm BOT Cai Lậy vừa để đảm bảo an toàn giao thông, vừa phát triển đô thị. Mong muốn của địa phương là có hệ thống giao thông tốt, mở rộng được đô thị, tạo không gian để phát triển kinh tế xã hội, chứ không đơn thuần là một tuyến tránh. Vì vậy, những đề xuất di dời trạm phải xem cụ thể.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề cập tới tuyến BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp: “Chúng ta sẽ dời đi đâu? dời trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp là không hợp lí. Bộ GTVT tiếp nhận toàn bộ đề xuất của người dân nhưng quyết định từng trường hợp như thế nào, cái gì thuộc thẩm quyền thì Bộ GTVT sẽ quyết, vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên giải quyết”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề cập tới việc tiếp tục làm BOT giao thông trong thời gian tới, sẽ không dừng BOT. Theo người đứng đầu ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí