Tại hầu hết cửa hàng gạo ở miền Tây đều có bày bán các loại “gạo sạch”, nhưng rất nhiều trong số đó là “sạch” tự phong mà không có bất cứ chứng nhận nào.
Bí quyết chọn gạo an toàn là nên ăn gạo có thương hiệu hoặc gạo cũ đã để ít nhất 3 tháng. Ảnh Đình Tuyển
“Ma trận” gạo sạch, gạo an toàn, gạo ngon, gạo đặc sản, gạo thượng hạng, hảo hạng… thực sự khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu thật, đâu tự phong.
In bao bì “gạo sạch” dễ bán
Chúng tôi tìm đến một trong những cửa hàng bán sỉ, lẻ gạo thuộc hàng lớn nhất ở TP.Cần Thơ. Dù nằm gần chợ, siêu thị nhưng lúc nào cửa hàng cũng có khách đến mua gạo. Ngoài hàng chục thùng lớn chứa gạo để cân bán lẻ thì còn có hàng trăm loại gạo đóng bao, đóng túi từ 5 - 50 kg. Khoảng hơn 10 loại gạo khác nhau được đóng túi loại 5 kg và 10 kg, trưng bày rất bắt mắt. Những cái tên được in trên bao bì nghe khá lôi cuốn như gạo Tứ Quý, Lài sữa Thái, Hương Lài, Nàng hoa, Lài Miên... kèm theo những dòng chữ “Gạo thơm đặc sản”, “Gạo thơm thượng hạng”, “Gạo đặc sản, chất lượng đặc biệt”... Tuy nhiên, điểm chung nổi bật nhất của các túi gạo phải kể đến logo tròn với chữ “sạch” to chính giữa và dòng chữ “Vì sức khỏe cộng đồng - Đạt tiêu chuẩn cao” bao quanh.
Chị N.T.T, chủ cửa hàng gạo, cho biết những loại gạo đóng túi và có logo “sạch” rất dễ bán. Cửa hàng chị có 16 loại gạo được đóng túi như thế. Mỗi ngày ngoài bán gạo đong thùng, cửa hàng chị còn bán lẻ vài tạ gạo “sạch” đóng túi như trên. “Những túi và bao bì mình thuê in ở Tiền Giang, người ta có mẫu sẵn hết. Mỗi túi có giá khoảng 1.600 đồng. Mình mất thêm công vô túi nhưng được cái đong bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu”, chị T. nói.
Người tiêu dùng lựa chọn gạo túi ở một cửa hàng bán gạo ở Q.Ninh Kiều (Cần Thơ)
Chị T. cũng thừa nhận thực chất những loại gạo đóng túi không có tên thương hiệu cũng chính là gạo hàng xáo, được đong vào túi để phục vụ người mua có thể mang đi thuận lợi hơn. Giá gạo đóng túi cũng tùy loại và cao hơn gạo thường khá nhiều. “Ví dụ như gạo Lài nếu bán hàng xáo được 14.200 đồng/kg, đem đóng túi có thể bán 18.000 - 19.000 đồng/kg. Còn những loại gạo cao cấp hơn có địa chỉ doanh nghiệp sản xuất rõ ràng thì có giá cao hơn nhiều, từ 100.000 - 135.000 đồng/túi 5 kg”.
Tương tự ở nhiều hệ thống siêu thị, gạo cũng được bày bán rất phong phú với hàng chục loại đóng túi gắn chữ “gạo sạch”, gạo hảo hạng, thượng hạng, đặc sản với đủ kiểu ghi chứng nhận. Nhiều loại gạo sản xuất ở TP.HCM và không có thông tin về vùng sản xuất…
Gạo sạch nhưng vẫn dùng thuốc trừ sâu
Một thực tế là quá trình trồng lúa để làm ra hạt gạo sạch hay gạo an toàn, người ta vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học bình thường. Những loại gạo được chứng nhận như VietGap, GlobalGap... thực chất không hoàn toàn “sạch sẽ” dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV).
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc của Tổ chức Chứng nhận, kiểm nghiệm, giám định NHO (đại diện của các tổ chức chứng nhận có uy tín QScert (EU), Cerescert, Biocert, Agroment): “Kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn 100% dư lượng chất BVTV mà là dư lượng nằm trong mức an toàn, tức là đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng vượt mức cho phép”.
Còn PGS-TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), khẳng định: “Nếu người tiêu dùng nói gạo sạch là hoàn toàn không còn dư lượng thuốc BVTV thì chỉ có cách bỏ ra 70.000 - 80.000 đồng để mua gạo hữu cơ mà ăn. Còn không thì nên đặt niềm tin vào những doanh nghiệp có thương hiệu sẽ có những sản phẩm an toàn”.
Theo ông Chín, hiện nay, có thể phân ra 3 loại gạo gồm: gạo thường (sản xuất tự do, không theo quy trình nào), gạo an toàn (sản xuất theo VietGAP, GlobalGap, SRP...) và chất lượng nhất là gạo hữu cơ (chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học).
Tuy nhiên, trong tiêu thụ gạo nội địa thì các loại gạo đang được đặt tên và quảng cáo rất lộn xộn. “Có rất nhiều công ty thương mại, thậm chí là những doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ không có vùng nguyên liệu, họ cứ mua lúa về chà, đánh bóng, đấu trộn, hoặc để nguyên vô bao bì và để nhãn là một giống gạo gì đó rồi gắn mác gạo sạch vào bán, miễn sao phù hợp với thị hiếu và khẩu vị khách hàng. Nhưng chắc chắn là không có ai đảm bảo gạo đó là “sạch” không có tồn dư chất BVTV”, ông Chín nói.
Ông Chín cũng phân tích thêm hiện nay, rất khó để một cơ quan quản lý nhà nước có thể lấy mẫu từng loại gạo đem phân tích bởi chi phí cao. Doanh nghiệp tư nhân cũng không thực hiện khâu này để tiết giảm chi phí. Người tiêu dùng càng không thể mua gạo rồi tự bỏ tiền túi đi kiểm định chất lượng.
Một cửa hàng bán gạo ở Cần Thơ
Ăn gạo cũ bớt rủi ro
|
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thì ngoài chuyện buôn bán phức tạp, việc tiêu thụ gạo nội địa còn một thực trạng là đăng ký trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP để lấy chứng nhận làm “bình phong”. Khi có chứng nhận, một số doanh nghiệp muốn tiêu thụ nội địa bao nhiêu cũng không có ai kiểm soát. “Làm gạo an toàn, gạo sạch đã khó, làm gạo hữu cơ lại khó gấp nhiều lần. Việc nhiều đơn vị chỉ cần in bao bì tự phong là gạo sạch là không minh bạch với người tiêu dùng, không công bằng với người trồng lúa sạch thực sự”, ông Bình nói.
Trước sự phức tạp của thị trường gạo nội địa, ông Phạm Đông Hưng, Giám định viên thuộc Công ty giám định và khử trùng FCC (chi nhánh Cần Thơ), cho rằng đối với gạo đóng túi, tốt nhất người tiêu dùng nên chọn những nhãn hàng có thương hiệu, có chỉ dẫn công ty sản xuất rõ ràng và có thể tra tìm được vùng nguyên liệu. “Chúng tôi chủ yếu làm với đối tác mua gạo từ quốc tế (hơn 90%), còn gạo bán nội địa không mấy ai thuê kiểm định độc lập. Bản thân chứng nhận VietGap, GlobalGap cũng không quan trọng bằng thương hiệu”, ông Hưng nói.
Là người có gần 20 năm trong nghề giám định, ông Hưng cũng chia sẻ “mẹo” để chọn gạo thường, gạo hàng xáo ăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn: “Ngoài những gạo có thương hiệu, tương đối đảm bảo thì nên chọn gạo cũ để ăn. Thường gạo để từ 3 tháng trở lên thì dư lượng thuốc BVTV sẽ tự chuyển hóa. Có thể không thơm, dẻo như gạo mới nhưng an toàn hơn. Cách nhìn ra gạo cũ là quan sát đầu phôi hạt gạo thường ngả màu hơi vàng. Ngược lại, gạo mới trắng sáng hơn, nấu cho cơm thơm, dẻo hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn”.
Xu hướng ăn gạo sạch là cơ hội cải tạo đất Gạo an toàn hoặc gạo sạch chỉ bảo đảm được nếu quy trình sản xuất lúa không áp dụng phân bón hóa học quá nhiều như hiện nay, lúa sạ cấy không dày như hiện nay. Vì sạ cấy quá dày trong điều kiện bón quá nhiều phân hóa học, nhất là phân urê, thì đó là cách “quyến rũ” sâu bệnh đến ăn, nông dân bắt buộc phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế khó có lúa “sạch”, gạo “sạch” an toàn. Ở VN, mấy chục năm nay chạy theo thành tích xuất khẩu, chúng ta đã lạm dụng hóa chất rất nhiều, nhất là phân đạm. Khi bón nhiều đạm, thì kích thích cây trồng huy động tối đa các chất vi lượng, trung lượng. Đến khi đất bạc màu thì vi sinh vật sống trên lá, thân cây, rễ cây, xung quanh rễ cây cũng chết theo rồi đất đai khô cằn... Bây giờ khi xu hướng ăn gạo sạch đang dần phổ biến chính là cơ hội để ngành nông nghiệp chuyển hướng khuyến khích bà con trồng theo quy trình mới. Phải sử dụng phân vi sinh. Nông nghiệp an toàn và bền vững phải nhờ phục hồi lại sự màu mỡ và an toàn của đất đai bằng cách bón phân sinh học (phân vi sinh) kết hợp hữu cơ cân đối với những chất vi lượng và trung lượng cần thiết cho cây trồng. Và trên hết là để người dân có thể canh tác một cách lâu dài, bền vững. GS-TS Võ Tòng Xuân |
Khó quản lý gạo nội “sạch” ? Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, cho rằng: Nói về gạo sạch thì khái niệm từ “sạch” rộng quá. Thực sự chưa có quy định nào nói là gạo “sạch” là gạo như thế nào. Hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn lúa sạch quốc gia. Để quản lý đầu ra, tránh tình trạng trồng theo tiêu chuẩn ít, sản lượng bán lại nhiều thì điều quan trọng nhất là đơn vị chứng nhận giám sát. Đơn vị cấp chứng nhận nên chủ động hoặc phải phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương để quản lý bằng cách chủ động báo những thông tin liên quan đến diện tích, sản lượng trồng theo tiêu chuẩn cho cơ quan quản lý nhà nước biết. Tuy nhiên, không phải tổ chức chứng nhận nào cũng báo về cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các chứng nhận VietGap hay GlobalGAP cũng phải truy xuất nguồn gốc, in trên bao bì, mã hóa...Cũng liên quan đến chất lượng gạo, thực tế, khâu bảo quản sau thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng gạo. Bởi do điều kiện bảo quản dễ bị tấn công mối mọt, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng thuốc khử trùng kho, lô hàng, nếu không phải do đơn vị khử trùng chuyên nghiệp được cấp phép thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Điều mà lâu nay người ta cứ hay đổ thừa cho nông dân rằng họ sử dụng quá nhiều thuốc BVTV. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc - Công ty TNHH công nghiệp NhoNho (thuộc Tổ chức Chứng nhận, kiểm nghiệm, giám định NHO), cho biết: Tại VN, hiện có quy chuẩn VietGap thực ra được xây dựng dựa theo tiêu chí cơ bản của GlobalGap. Tuy nhiên, trong khi GlobalGap có gần 200 tiêu chí đánh giá, thì còn VietGap chỉ còn vài chục tiêu chí. Quy trình đánh giá của cả hai đều rất ngặt nghèo bao gồm đánh giá, phần cứng: vùng trồng, nhà kho, nhà vệ sinh, khu xử lý rác thải, khu xử lý dư lượng thuốc (pha chế thuốc, có chỗ để xử lý thuốc dư thừa), bảo hộ lao động, tủ y tế... Vùng trồng có thực sự trồng sản phẩm đúng như đăng ký không. Trong quá trình đánh giá, kết quả phân tích mẫu đất, nước, sản phẩm, đặc biệt sản phẩm trước khi thu hoạch xem có dư lượng tồn dư vượt ngưỡng cho phép.Riêng về gạo hữu cơ, thường có một số yêu cầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học... Vùng đất trồng và nguồn nước tưới phải có đặc thù là những vùng chưa canh tác, chưa bị tác động bởi phân, thuốc hóa học. Đặc biệt là vùng trồng phải có vùng cách ly, vùng đệm tách biệt với vùng trồng trọt xung quanh. Hiện tại ở VN có một quy chuẩn TCVN 11041 về sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhưng chưa được các thị trường thế giới chấp nhận. Trên thế giới thì khá phổ biển với nhiều chứng nhận quốc tế, mỗi thị thường có tiêu chuẩn riêng như tiêu chuẩn hữu cơ Asean, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Canada... Mỗi tiêu chuẩn có yêu cầu chung và riêng nhưng ở các nước phát triển thì giống nhau 80%. |
Theo Đình Tuyển/Thanh niên