Liên tiếp các vụ lái xe dùng chiêu trò để gây áp lực phản đối các trạm thu phí BOT giao thông trên cả nước. Đã đến lúc Bộ GTVT phải chủ động xử lý.
Cứ phản đối là…giảm phí
Đã hơn 1 tháng Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết “điểm nóng” trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), nhưng vẫn đang bế tắc.
Liên tiếp những ngày đầu năm 2018, tình hình giao thông tại trạm thu phí BOT Ninh Hòa (Khánh Hòa), trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm BOT Sóc Trăng…lại tiếp tục bị người dân phản đối.
Nhiều chủ xe đậu xe ngay trạm, yêu cầu phải miễn, giảm giá vé gây ùn tắc, các trạm buộc phải xả trạm để đảm bảo trật tự giao thông.
Tài xế phản đối tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)
Đáng nói, đây là dịp cao điểm đi lại cuối năm của người dân, vì vậy, cần một giải pháp chủ động từ phía Bộ GTVT và chính quyền địa phương để tháo gỡ “ngòi nổ” của các trạm thu phí BOT giao thông trên toàn quốc, tránh để lây lan, thành phong trào phản đối BOT.
Được biết, nhiều chủ đầu tư BOT đã họp với chính quyền địa phương, người dân để lên danh sách miễn, giảm phí cho người dân sống ở hai đầu trạm thu phí.
Tiền có mệnh giá nhỏ là phương thức chủ yếu của cánh lái xe đối phó khi qua trạm thu phí.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN (Bộ GTVT), đồng thuận với chủ trương miễn, giảm phí cho người dân. Tuy nhiên muốn thực thi được, chủ đầu tư cần có văn bản trình lên Tổng cục để thống nhất. Sau đó, Tổng cục sẽ rà soát phạm vi, đối tượng miễn, giảm phí có đúng quy định hay không, rồi sẽ trình lên Bộ GTVT để xem xét, quyết định.
Đối với căng thẳng tại trạm thu phí BOT, đại diện Tổng cục ĐBVN đã có họp bàn với các địa phương, thống nhất phương án giảm phí.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông và kinh tế thì đây mới chỉ giải quyết phần ngọn, chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề.
Mỗi khi BOT Cai Lậy thu phí là lập tức bị các lái xe tập trung phản đối.
Tại sao khi bị người dân phản đối thì Bộ GTVT, các doanh nghiệp này lập tức lên phương án miễn, giảm phí? Phải chăng BOT và vị trí đặt trạm thu phí có vấn đề, cần phải giải quyết?
Đâu là nguyên nhân?
Theo các chuyên gia, cái gốc vấn đề gây ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí vừa qua là do chủ đầu tư và tài xế chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại. Dĩ nhiên, để giải quyết cái gốc vấn đề thì thẩm quyền không thuộc về nhà đầu tư và chính quyền địa phương.
Do ùn ứ giao thông, nhiều xe phải nằm chờ qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
TS. Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét, để xảy ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí có một phần nguyên nhân là do việc miễn giảm phí tại một số trạm chưa làm tốt, dẫn đến người dân không đồng thuận.
Để chờ một giải pháp căn cơ từ Chính phủ, trước mắt Bộ GTVT và chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân ủng hộ, đồng thời có những giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.
Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phương án giải quyết tối ưu những lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT hiện nay là cần phải minh bạch.
Ùn tắc nghiêm trọng trên toàn bộ 6 cửa thu phí của trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp do bị các tài xế phản ứng.
“Chủ đầu tư phải thu phí minh bạch, đi bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không thể đi 5 km mà thu toàn tuyến 30 km được”, ông Sinh phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Sinh, qua việc thu hút nguồn vốn BOT giao thông thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải khắc phục sớm.
“Thứ nhất là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, đến nay chúng ta mới chỉ có các nghị định để hướng dẫn. Thứ hai là trong quá trình triển khai có những khiếm khuyết, như khi thực hiện BOT chúng ta chưa xác định tài sản này là của ai, nhà nước hay chủ đầu tư. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi nếu xác định được là tài sản của ai thì mới có thể quản lý được, ông Sinh nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, qua theo dõi phản ánh của truyền thông, ông thấy, Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng cần phải sớm tháo “nút thắt” ở các BOT giao thông hiện nay.
Ách tắc giao thông xảy ra tại trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
“Nút thắt” ở đây chính là ở vị trí đặt trạm thu phí BOT chứ không phải là mức thu phí. Ví dụ điển hình là trạm thu phí BOT Cai Lậy, vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy đang có vấn đề, không phải như trong kịch bản, kế hoạch ban đầu của Bộ, các cơ quan chức năng không đánh giá được hết phản ứng của người dân.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chuyện BOT ở nước ta là câu chuyện âm ỉ lâu nay và chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng những chính sách mang tầm quốc gia chứ không thể “cháy đâu chữa đó” như hiện nay. Chẳng lẽ cứ mỗi trạm BOT có vấn đề là Bộ GTVT lại phải họp, rà soát, xem xét lại, lại giảm phí?
Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phương án giải quyết tối ưu những lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT hiện nay là cần phải minh bạch.
“Theo tôi, Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN cần khẩn trương rà soát các đối tượng được miễn giảm thu phí để thực hiện ngay, tránh để lâu. Đồng thời cần phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Quan trọng nhất là Bộ GTVT cần nhanh chóng rà soát toàn diện các dự án BOT trên toàn quốc,có báo cáo cụ thể”, ông Bùi Danh Liên nói.
Thu phí tự động có giải quyết được vấn đề?
Về tình hình phức tạp chung của các dự án BOT hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành, địa phương sẽ phối kết hợp để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay của BOT theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, với trách nhiệm của Bộ GTVT, trong vài tháng tới Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ để xem xét việc này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: “BOT trong thời gian qua nóng, chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa? Để BOT giảm nóng phải quyết toán xong và thu phí tự động. Năm 2018 không xong là phải chịu trách nhiệm với người dân, không thể để nóng như vậy kéo dài mãi được”.
Việc xảy ra xung đột giữa người dân và chủ đầu tư tại các trạm thu phí BOT đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Nếu không kịp thời giải quyết, có thể sẽ tạo ra những bất ổn trong xã hội, sẽ lây lan thành phong trào phản đối BOT.
Trong khi chờ đợi quyết sách từ Chính phủ cho BOT giao thông, rất cần sự dũng cảm nhận trách nhiệm từ phía Bộ GTVT trong việc xử lý những bất cập hiện nay./.
Theo Phi Long/ VOV.VN