Hiện các Bộ vẫn chưa thống nhất cơ quan nào thay mặt Chính phủ trình Quốc hội việc thay đổi tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Bộ Tài chính chưa xem xét tạm ứng vốn trung hạn cho thành phố. Do đó, năm 2018, TPHCM sẽ phải tiếp tục ứng vốn ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ dự án.
UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ về vướng mắc tại dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Theo đó, tuyến metro số 1 dài gần 20km được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật).
Trong bối cảnh Trung ương chưa giải ngân vốn ODA thì năm 2018 TPHCM sẽ tiếp tục ứng vốn ngân sách trên 1.000 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên
Thời điểm phê duyệt, dự án được xác định thuộc nhóm A, do đó không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).
Tổng mức đầu tư của dự án thay đổi so với năm 2007 do 3 nguyên nhân chính: tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư; nguyên – nhiên liệu tăng giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; trượt giá giữa Yên Nhật – Việt Nam đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Lúc đó, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm thẩm tra lựa chọn Tư vấn thẩm tra nên thành phố đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để làm. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011. Đến tháng 9/2011, UBND TP quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư là hơn 47.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm này dự án được phê duyệt điều chỉnh lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vì là dự án trọng điểm quốc gia. Sau đó, Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án.
Theo UBND TPHCM, hiện các bộ vẫn chưa thống nhất cơ quan nào thay mặt Chính phủ trình Quốc hội việc thay đổi tổng mức đầu tư của dự án metro số 1. Ngoài ra, Bộ Tài chính chưa xem xét tạm ứng vốn trung hạn cho thành phố.
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc việc thay đổi tổng mức đầu tư, đồng thời hỗ trợ thành phố trong việc ứng vốn để dự án được tiếp tục triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định 2 dự án metro chỉ vướng vấn đề thủ tục còn tiến độ vẫn đảm bảo
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, dự án đã ký kết được 3 hiệp định vay vốn với Nhật Bản với hơn 31.200 tỷ đồng, giải ngân được gần 12.000 tỷ đồng, đạt 38%. Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng gần 50% khối lượng nhưng không phát sinh thêm vốn. Tiến độ dự án hiện đang nhanh hơn so với kế hoạch đề ra.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vướng thủ tục, thành phố phải làm lại để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua. Do đó, ngân sách TP phải tạm ứng để đảm bảo tiến độ dự án. Năm 2018, thành phố vẫn phải tạm ứng trên 1.000 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 cũng bị “đội vốn” từ 1,374 tỷ USD lên 2,143 tỷ USD (tăng 58%) với những nguyên nhân tương tự tuyến metro 1. UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ duyệt chủ trương tăng tổng mức đầu tư dự án, đồng thời tiếp tục giao UBND TPHCM là cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định tuyến metro số 2 cũng đang vướng các vấn đề thủ tục chứ không gặp vấn đề gì về kỹ thuật thi công hay tiến độ.
Theo Quốc Anh/Dân trí