Nhiều địa phương vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của đội ngũ trí thức trẻ cũng như chưa tạo điều kiện để họ phát huy hết khả năng.
Sau 3 năm triển khai, Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500) của Bộ Nội vụ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. 500 trí thức trẻ tham gia đề án không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn có nhiều tham mưu, đề xuất cho cấp ủy chính quyền các xã triển khai được nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của đội ngũ trí thức trẻ cũng như chưa tạo điều kiện để họ phát huy hết khả năng.
Thế hệ trẻ đang góp sức thay đổi kinh tế - xã hội nhiều vùng nông thôn, miền núi (Ảnh minh họa)
Tình nguyện về với nông thôn, miền núi, những khu vực khó khăn, chấp nhận những thiếu thốn về vật chất, suốt 3 năm qua, 500 trí thức trẻ tham gia đề án đã nỗ lực cống hiến kiến thức, kỹ năng của mình cho các địa phương. Từ quá trình rèn luyện bản thân, nhiều trí thức trẻ đã trưởng thành, bản lĩnh hơn. Khu vực phía Nam hiện có 12 tỉnh tham gia Đề án 500 với gần 160 trí thức trẻ.
Anh Phan Văn Dương, trí thức trẻ tham gia đề án này tại tỉnh Đắc Nông cho hay, chính môi trường làm việc đầy thử thách tại địa phương đã giúp anh và các bạn nỗ lực để thích nghi, phát triển.
“Tôi có thêm kinh nghiệm trong ứng xử, kinh nghiệm trong làm việc thực tế rất hiệu quả. Trong quá trình công tác tại địa phương, tôi có cơ hội thể hiện được những kiến thức mà mình đã học ở trường đại học nên trở nên mạnh dạn hơn”, anh Văn Dương nói.
Tuy nhiên, do vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc đào tạo, bố trí công tác cho đội ngũ trí thức trẻ nên sau 3 năm triển khai, nhiều xã vẫn thờ ơ với Đề án 500. Có nơi vì chưa nắm rõ tinh thần của đề án, họ vẫn xem trí thức trẻ là người ngoài, thậm chí là "hàng ký gửi". Điều này thể hiện rõ thông qua việc hàng loạt địa phương chưa phân công đúng công việc chuyên môn cho các trí thức trẻ và không có định hướng quy hoạch cán bộ đối với đội ngũ này.
Chị Hà Vũ Thi, tham gia Đề án 500 tại tỉnh Phú Yên tâm tư: “Vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai những chính sách của cấp trên xuống dưới địa phương, cơ sở. Mỗi địa phương hiểu về đề án theo cách khác nhau nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn và không đồng đều giữa các địa phương”.
Theo ông Lê Mạnh Tuấn, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, về thực chất, Đề án 500 của Bộ Nội vụ đã tạo được nhiều đổi mới tại các địa phương khó khăn. Tuy nhiên, vì công tác tuyên truyền về đề án này còn hạn chế nên sức lan tỏa chưa cao, chưa tác động nhiều đến nhận thức của lãnh đạo cấp huyện, cấp xã.
Cho nên, đã có tình trạng ở cấp tỉnh rất thiết tha, mong mỏi trí thức trẻ của đề án nhưng khi đưa xuống xã lại thờ ơ, bỏ ngỏ. Do đó, ông Tuấn cho rằng, thời gian tới, Bộ Nội vụ cần có hệ thống văn bản định hướng cụ thể, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đề án tại các xã cũng phải thường xuyên hơn.
“Tôi kiến nghị nên có bộ tiêu chí đánh giá riêng để phù hợp với đặc thù riêng của các em đội viên tham gia đề án. Cần có bộ tiêu chí này để bản thân các trí thức trẻ phải tự mình phấn đấu, rèn luyện. Đồng thời để cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là cấp xã căn cứ vào bộ tiêu chí đó đánh giá đội viên cho chính xác”, ông Lê Mạnh Tuấn nói.
Tán đồng suy nghĩ này, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, cần có những điều chỉnh từ phía địa phương để tạo điều kiện tốt hơn giúp các trí thức trẻ tại 34 tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu của đề án.
“Sắp tới đây, Bộ Nội vụ sẽ ban hành một văn bản hưởng dẫn công tác đào tạo, bố trí sử dụng các đội viên tham gia đề án này để làm rõ trách nhiệm của chính quyền từ cập xã, cấp huyện, cấp tỉnh trong vấn đề này. Nhưng trên tinh thần các địa phương phải xem các bạn đội viên là cán bộ của mình và có phương án bố trí sử dụng sao cho hiệu quả”, ông Vũ Đăng Minh nói.
Để được địa phương công nhận là một công chức thực thụ, theo ông Vũ Đăng Minh, bản thân mỗi trí thức trẻ khi tham gia Đề án 500 phải làm tốt chức danh công chức được bố trí.
Bên cạnh công tác chuyên môn, trí thức trẻ tình nguyện cần tham mưu, đề xuất các chương trình, đề án, mô hình về phát triển kinh tế địa phương, phát triển cộng đồng, thể hiện hết sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết của mình. Làm được vậy, kết quả đề án sẽ góp phần đào tạo một lớp cán bộ tốt để các địa phương quy hoạch, bố trí sử dụng trong các nhiệm kỳ tới./.
Theo Mỹ Dung/VOV