Nêu những ngịch lý như chuyện kiểm định động cơ ô tô, điện thoại iPhone 8 bằng cách mắt nhìn, tay sờ; hàng hóa đạt tiêu chuẩn châu Âu, từ các nước G7 nhập về lại không qua được cửa kiểm soát tiêu chuẩn của Việt Nam… Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu tháo gỡ những tồn tại này.
Ngày 20/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN).
Tính từ đầu năm tới nay, Bộ được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó đã hoàn thành 245 nhiệm vụ (225 nhiệm vụ đúng hạn, 20 nhiệm vụ quá hạn); đang thực hiện 158 nhiệm vụ trong hạn. Như vậy, Bộ không còn bất cứ nhiệm vụ nào chậm trễ.
Báo cáo của Bộ KH-CN nêu những kết quả cải cách đạt được như bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, ban hành Thông tư 07 để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan…
Cuộc kiểm tra tại Bộ KH-CN do Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng chủ trì.
Thủ tướng nhắc các Bộ tình trạng cát cứ “của anh, của tôi”
Ghi nhận những nỗ lực của Bộ KH-CN và cá nhân Bộ trưởng Chu Ngọc Anh với cam kết giảm 96% số lô hàng phải kiểm tra trước thông quan, Tổ trưởng Tổ công tác cũng truyền đạt những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bởi hiện nay hoạt động này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tính trung bình một năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là giảm tối đa tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, một mặt hàng chỉ giao 1 đầu mối quản lý.
Ví dụ, một dây chuyền sản xuất ô tô, đã kiểm tra khi nhập khẩu rồi nhưng khi đưa về nhà máy, lắp ráp thì Bộ khác lại đến kiểm tra lần nữa. Hay một xe cẩu mà phần xe thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông, phần cần cẩu lại thuộc Bộ Lao động là bất hợp lý.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng đặc biệt nhắc nhở các Bộ về tình trạng “của anh, của tôi” khi kiểm tra hàng hóa.
Với Bộ KH-CN, Thủ tướng cũng lưu ý về việc tiếp tục rà soát, sớm công bố các quy chuẩn quốc gia với hàng hóa. Theo Tổ trưởng Tổ công tác, điều này rất quan trọng để việc kiểm tra hàng hóa có căn cứ.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với Bộ trưởng KH-CN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gợi ý, như động cơ ô tô của các nước G7, hay điện thoại iPhone 8 thì phải xem xét có cần kiểm tra nữa không? Có công nhận kết quả đánh giá của nước ngoài được không? Vì thực tế, những mặt hàng này, việc kiểm tra cũng chỉ rất hình thức, nhìn nhận, đánh giá bằng cảm quan, bằng giác quan thông thường, “bóc ra rồi để đấy”, không mấy hiệu quả trong việc phát hiện vi phạm.
Dù vậy, một nguyên tắc được quán triệt là phải đảm bảo vấn đề an ninh, môi trường, sức khoẻ cho người dân. Tháo gỡ thủ tục, cắt giảm kiểm tra không có nghĩa mở toang hết các cửa mà chỉ có thể xúc tiến, gỡ bỏ những thủ tục không “phạm nguyên tắc” còn hàng rào kỹ thuật để bảo hộ trong nước vẫn phải giữ vững.
Tán thành quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng xác nhận, chuyển cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm có ý nghĩa lớn với việc giảm chi phí xã hội, để doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình trên cơ sở xã hội kiểm soát.
Cơ chế quy trách nhiệm như vậy, theo ông Thiên, hiệu quả hơn việc nhà nước “mang tiếng” vì việc kiểm tra hình thức mà người dân vẫn chịu khổ vì hàng hoá kém chất lượng.
Vai trò của Bộ KH-CN sẽ thể hiện rõ trong phần này khi chịu trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đo lường chất lượng làm căn cứ đánh giá, so sánh. Đó là căn cứ minh bạch giúp cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mới có thể sống được, kết thúc “thời đại hàng Trung Quốc giá rẻ, giả, nhái”.
“Học sinh lớp 4 đi kiểm định, đánh giá lớp 10”
Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn thì đặt vấn đề, việc giữ độc quyền nhà nước với hoạt động kiểm tra, kiểm định, xác nhận chất lượng hàng hóa đang tạo nên chi phí lớn, tạo ra nhũng nhiễu, tiêu cực. Vậy nên mới có việc doanh nghiệp nhập hàng ở phía Nam phải cầm sản phẩm ra Bắc để làm thủ tục kiểm tra, xác nhận, tốn kém và hình thức.
Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc kiểm tra.
Ông Tuấn dẫn chứng, có những hãng cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn Châu Âu, hàng sản xuất từ những nước G7 mà đưa sang Việt Nam lại không đạt tiêu chuẩn. Chuyện này được nêu ra làm nhiều người phì cười vì không thể tin là Việt Nam lại có tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn cả châu Âu.
Để giải quyết nghịch lý kiểm tra hình thức, kiểu “học sinh lớp 4 đi kiểm tra, đánh giá trình độ học sinh lớp 10” như này, ông Tuấn đề nghị áp dụng cách thức tương tự Đài Loan, quy định hàng hóa đến từ những nước có trình độ phát triển cao như vậy, có chứng nhận tiêu chuẩn ở đó thì đưa vào Việt nam không cần kiểm tra.
Ông Đậu Tuấn đề xuất cơ chế tạo động lực cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, nghiêm túc bằng cách tổ chức kiểm tra 3 lô hàng liên tiếp, nếu đều đạt, doanh nghiệp được xác định có lịch sử tuân thủ tốt và được miễn kiểm tra một năm tiếp theo. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy trong giai đoạn được “thả lỏng” doanh nghiệp có vi phạm thì sẽ lập tức bị đưa trở lại quy trình kiểm tra nghiêm ngặt chứ không phải “xin gia hạn chứng nhận lịch sử tốt” là được.
Đồng ý với những hướng phân tích này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định: “Sản phẩm của các nước G7 về mà ta nói là không đảm bảo tiêu chuẩn thì đúng là phì cười, tạo nên sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng với người đối thoại”.
“Đi kiểm tra thử một buổi mới thấy kiểm tra chuyên ngành cực kỳ khó, bước vào lãnh địa đó như một mớ rừng rậm không lối ra, chúng ta còn khó mò chứ đừng nói tới doanh nghiệp” – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao để giữa việc nói và làm của Bộ trưởng, giữa báo cáo và thực tế việc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng nhất quán. Bộ KH-CN phải là trung tâm dữ liệu để trao đổi chia sẻ với các bộ ngành, cơ quan, phải mẫu mực trong việc cải cách.
Theo P.Thảo/Dân Trí