BGTV- Nghị định số 153/2016/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Mức lương hiện tại của công nhân tại doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ta cao nhất là 2,9 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 2,58 triệu đồng/tháng. Cuộc “chạy đua” không cân sức giữa lương và giá cả vẫn luôn là nỗi lo thường trực với người lao động (NLĐ) hiện nay.
Vợ chồng anh Vũ Văn Hải và chị Lê Thị Thuận từ xã Kiên Lao, Lục Ngạn đến làm công nhân tại Khu Công nghiệp Vân Trung, Việt Yên đến nay được hơn 3 năm. Mỗi tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng (cả tăng ca, tiền thưởng…) nên phải chi tiêu rất tiết kiệm, dè xẻn. “Con cái gửi ông bà ở quê chăm hộ nên hàng tháng vợ chồng tôi cố gắng gửi khoảng 4 -5 triệu về nhà, còn hai vợ chồng ở đây thì cũng đủ thứ phải lo từ tiền nhà, tiền ăn, xăng xe đi lại nên cũng không bỏ ra được đồng nào, giờ các con còn nhỏ thì xoay xở được, sau này các cháu lớn chắc tôi cũng phải tìm việc khác” – chị Thuận chia sẻ.
Giải quyết việc làm và thu nhập cho NLĐ là rất cần thiết để ổn định tình hình sản xuất
Ngoài “chật vật” với giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều công nhân và NLĐ còn phải “căn cơ” với mức lương thiếu ổn định. Chị Trần Thị Hoài (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang) làm việc tại Cụm công nghiệp Xương Giang, TP Bắc Giang đã gần 2 năm với mức lương 4 triệu đồng. Mọi chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày chị đều phải “thắt lưng buộc bụng” để bám trụ với công việc, hỗ trợ bố mẹ già yếu. Chị Hoài ngậm ngùi: “Tôi cũng cố gắng tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy còn phụ giúp gia đình, nhưng nhiều khi doanh nghiệp họ trả dựa trên hiệu quả công ty, doanh thu mà giảm là thu nhập cũng giảm theo, có tháng không nhận được đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, trả lương muộn, anh em công nhân nhiều người cũng bức xúc nhưng biết sao được, giờ tìm được một công việc đâu phải chuyện đơn giản” .
Với đồng lương ít ỏi, chị Hoài phải tiết kiệm chi tiêu hết mức để phụ giúp gia đình
Thời gian qua, các hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được đẩy mạnh với những chương trình cụ thể, thiết thực như mua hàng ưu đãi, địa chỉ nhà trọ thân thiện giá rẻ… tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của NLĐ, chủ yếu tập trung tại các điểm, cụm công nghiệp lớn, còn với các DN vừa và nhỏ, các hoạt động hỗ trợ vẫn còn là mong mỏi của rất nhiều lao động.
Với mức giá cả thị trường như hiện nay, nếu chỉ dựa trên mức lương tối thiểu vùng chắc chắn NLĐ sẽ không thể đảm bảo được cuộc sống, vì thế, tại các DN thường bổ sung các khoản phụ cấp hoặc trợ cấp để NLĐ có mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với các DN nhỏ, mức lương chi trả cho NLĐ cao hơn lương tối thiểu vùng một chút, lấy mức lương này làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lúc này NLĐ phải chịu áp lực về thu nhập tính theo sản phẩm, trước mức thu nhập thấp như vậy, nhiều người chấp nhận bỏ việc để tìm những nơi trả cao hơn, DN từ đó lâm vào tình trạng thiếu lao động. Do đó, vấn đề giải quyết bài toàn thu nhập cho NLĐ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho họ là cần thiết để ổn định sản xuất, phát triển DN.
Các điểm bán hàng giá rẻ, bình ổn giá nên được nhân rộng để hỗ trợ NLĐ
Theo Liên đoàn LĐ tỉnh Bắc Giang, thực hiện chủ đề công tác năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, các chương trình phúc lợi cho NLĐ được đẩy mạnh thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên công đoàn. Bên cạnh các hoạt động thiết thực đó, để san sẻ phần nào gánh nặng cho NLĐ, nhiều giải pháp đặt ra như: đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành chức năng vận động chủ nhà trọ đưa ra mức giá hợp lý với NLĐ; xây dựng điểm bán hàng bình ổn giá, xây dựng khu nhà ở, giữ trẻ cho NLĐ tại các khu công nghiệp, chú trọng đến nâng cao đời sống văn hóa tinh để cùng chia sẻ với CNLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc và cống hiến.
Minh Anh