Ngày 12/9, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, cho biết theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2030, thành phố sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội.
Cầu Long Biên và cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Cụ thể, 10 cầu qua sông Hồng gồm cầu Việt Trì-Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên; bốn cầu qua sông Đuống gồm cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai Lâm.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án như dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng, điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 và cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh nhằm giảm tải cho cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối với các tỉnh phía Bắc. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
[Khoảng 30.000 tỷ đồng xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống]
Bên cạnh đó, để giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương vào giờ cao điểm, kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông thành phố, Dự án cầu Trần Hưng Đạo được triển khai thực hiện vào dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng với hình thức đầu tư PPP loại hợp đồng BT.
Đặc biệt, để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội và thu hút các nguồn lực đầu tư vào huyện Gia Lâm, đồng thời giảm ùn tắc, tai nạn, nâng cao năng lực giao thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo triển khai Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 6.068 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT, xây dựng trong 30 tháng, từ năm 2018-2020.
Ngoài ra, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) cũng được Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo triển khai nhằm hoàn thành đồng bộ, khép kín tuyến đường vành đai 2, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng./.
Theo Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)