BGTV- Vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là nhắn tin hay lướt web, là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày, đây là hành động hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông với hậu quả khôn lường.
Trong thời đại công nghệ thông tin, chưa bao giờ việc sử dụng điện thoại di động lại phổ biến như hiện nay, và chiếc điện thoại di động được con người tận dụng sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc ngay cả khi điều khiển phương tiện giao thông. Không chỉ người điều khiển xe gắn máy mà tài xế các xe ô tô, xe tải, xe khách, taxi… cũng thường xuyên sử dụng điện thoại trên hành trình của mình, coi thường sự an nguy của hành khách, cũng như người tham gia giao thông và chính mình. Và sự sử dụng tùy tiện chiếc điện thoại đi động đã gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Không ít những vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân từ việc dùng điện thoại khi tham gia giao thông
Theo Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, theo đó sẽ phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Tuy nhiên, thực tế chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại di động mà ít được các cơ quan chức năng xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phường Mĩ Độ TP Bắc Giang) cho biết: “Gần 20 năm hành nghề chạy xe ôm, hàng ngày đi lại trên đường nên tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người vừa điều khiển xe gắn máy vừa nghe điện thoại. Thậm chí có cả những vụ người lái tự tông xe vào vật chắn, hay lao thẳng vào xe tải đang dừng ở bên đường vì mải nhìn vào màn hình điện thoại”.
Có thể thấy, tình trạng vừa lái xe, vừa nhắn tin hay lướt web, vào mạng xã hội đã trở thành thói quen của không ít lái xe, và đây chính là một trong những thói quen “chết người”. Để đảm bảo an toàn giao thông, người lái xe phải tập trung tối đa, quan sát và xử lý các tình huống phát sinh trên đường. Nếu sự tập trung bị phân tán bởi điện thoại di động, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn, nhẹ thì va chạm nhỏ với các xe đi phía trước, nặng có thể gây chết người.
Ngay cả trên các tuyến xe khách cố định, nhiều lái xe vẫn thường sử dụng điện thoại đi động khi điều khiển phương tiện
Dưới góc độ khoa học, não của người chỉ có thể xử lý tốt một việc vào một thời điểm nhất định. Việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động khiến người lái bị phân tán sự tập trung, dẫn đến không thể làm tốt nhiệm vụ lái xe. Sự nguy hiểm càng tăng nếu vừa lái xe, vừa nhắn tin, do người lái chỉ điều khiển xe bằng một tay, tay còn lại sử dụng điện thoại di động, với sự tập trung dành phần lớn vào thiết bị cầm tay này.
Do vậy, nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, bạn có thể đeo tai nghe từ trước, và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Bạn vừa có thể sử dụng điện thoại và vừa rảnh tay điều khiển xe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bạn và những người xung quanh.
Việc sử dụng điện thoại trên đường không chỉ là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, thậm chí gián tiếp tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Không có cuộc trao đổi nào đáng giá bằng sinh mạng của mình và những người xung quanh - tất cả người lái xe nên ghi nhớ điều này.
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe trong suốt quá trình tham gia giao thông cho người lái xe, người ngồi trên xe, bên cạnh sự tự nâng cao ý thức chấp hành luật ATGT thì lực lượng CSGT cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ATGT nêu trên hơn nữa.
Hải Sơn