Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Ất Tỵ nhưng nhiều người miền Tây đã háo hức chọn lộ trình về quê cùng gia đình trong những ngày tới.
Nhờ có nhiều tuyến đường nối từ TP.HCM - ĐBSCL nên đi lại ngày cận Tết bớt căng thẳng. Trong ảnh: tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Long An - Ảnh: M.TRƯỜNG
Anh Nguyễn Hoàng Nam (38 tuổi, quê Cần Thơ), nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết, lại bắt đầu những chuyến đi lúc nửa đêm trên tuyến đường N2", kèm theo đó là tấm hình anh Nam chụp lại chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc và vợ con trong dịp Tết Ất Tỵ.
Phía dưới bài viết là hàng loạt chia sẻ của bạn bè về những trải nghiệm khó quên trên những cung đường về miền Tây trong các dịp lễ, Tết.
Đường N2 - tuyến đường được đưa vào sử dụng năm 2019 - được đông đảo người dân, trong đó chủ yếu là người dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp chọn lựa để đi TP.HCM và ngược lại.
Bởi đây là tuyến đường mới nhưng mặt đường khá đẹp và thường xuyên được duy tu nên nhiều người dân, kể cả người đi ô tô lẫn xe máy lựa chọn.
"Những ngày thường, tuyến đường này khá vắng vẻ nên tôi chỉ chạy ban ngày, còn mấy ngày Tết tôi sẽ đi về quê bằng tuyến đường này vào ban đêm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trước, năm nay tôi tiếp tục đi vào khung giờ từ sau 22h bởi giờ này xe ít, đi mát mẻ", anh Huỳnh Thanh Sang (29 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) nói.
Ngoài tuyến N2, người dân từ các tỉnh miền Đông và TP.HCM còn có các lựa chọn khác như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60.
Ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Khu quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết ngay trong dịp Tết dương lịch 2025, lượng khách đi về miền Tây sẽ không tăng nhiều so với ngày thường.
Do đó các đơn vị hữu quan đang tiếp tục duy tu các tuyến quốc lộ tại khu vực ĐBSCL, sơn lại các biển báo, phản quang để phục vụ người dân, đặc biệt là người dân về quê đón Tết trong thời gian tới.
Trong đó tuyến quốc lộ 1 nối từ TP.HCM về đến Cà Mau chạy qua hầu hết các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ là sự lựa chọn của số đông người dân các tỉnh miền Tây.
Một tuyến đường khác từ TP.HCM về tỉnh Tiền Giang được nhiều người lựa chọn trong khoảng 10 năm trở lại đây là quốc lộ 50 nối từ TP.HCM về Tiền Giang. Tuyến đường này chủ yếu người dân tỉnh Long An và Tiền Giang chọn để đi.
Còn quốc lộ 60 lại là tuyến đường mà người dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng lựa chọn để đi trong dịp lễ, Tết.
Đây cũng là tuyến quốc lộ trục dọc theo duyên hải phía Đông tại khu vực miền Tây có mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, đặc biệt là tại khu vực cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang.
Một điểm mới năm nay là người dân đi ô tô từ TP.HCM về miền Tây sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn các năm trước, đó là sẽ được chạy trên tuyến cao tốc từ TP.HCM về đến gần cầu Cần Thơ. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kéo dài khoảng 120km sẽ góp phần "chia lửa" rất lớn cho các quốc lộ trục dọc tại vùng ĐBSCL.
Ngày 30-12, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho biết ngày thường tuyến đường này có khoảng 20.000 - 30.000 lượt phương tiện qua lại. Riêng những ngày Tết, lượng phương tiện có thể lên đến 50.000 lượt mỗi ngày đêm. Tuy nhiên tuyến đường vẫn có thể đáp ứng được do có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực thường xuyên. Bên cạnh đó, phía tập đoàn này cũng đã cử nhân viên túc trực 24/24 giờ để kịp điều tiết giao thông khi trên đường xảy ra sự cố, hướng dẫn xe chạy ra các nút giao thông nếu phía trước bị tắc nghẽn. |
Theo Mậu Trường/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-mien-tay-ve-que-dip-tet-van-la-chuyen-di-luc-nua-dem-20241230234640512.htm