240
/
172198
Kiên Giang giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
kien-giang-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te
news

Kiên Giang giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thứ 2, 11/11/2024 | 14:51:00
1,975 lượt xem

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer tham gia phát triển kinh tế gắn với các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Kiên Giang chú trọng, giúp hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng rau màu của gia đình chị Thị Trúc Linh (bên trái)

Xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 10,7% dân số của xã. Với thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thái tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Đông Thái vận động hội viên tham gia vào các mô hình kinh tế, học tập nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời phối hợp các tổ chức, cá nhân, nhà từ thiện để kêu gọi hỗ trợ vốn, nhà ở cho hội viên nghèo, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thái Nguyễn Thị Nhanh cho biết: "Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thái phát động mỗi chi hội đăng ký giúp 1-2 hộ trở lên thoát nghèo. Các hình thức hỗ trợ gồm giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở, vay vốn, liên kết sản xuất, giới thiệu đầu ra sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và buôn bán".

Năm 2023, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân gần 5 tỷ đồng cho 102 lượt hội viên phát triển sản xuất kinh doanh, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Nhờ những hoạt động thiết thực, mỗi năm Hội giúp 12-13 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2023, có 13 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo và 3 hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh thành công.

Đầu năm 2024, chị Danh Thị Sáng (49 tuổi), ngụ ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái thuộc hộ nghèo, được chính quyền địa phương hỗ trợ 46 triệu đồng cất nhà từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tiếp đó, chị Sáng được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thái hỗ trợ vay 60 triệu đồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện, gia đình chị đang thực hiện mô hình trồng rau màu với thu nhập gần 100.000/ngày. Ngoài ra chị còn trồng gần 50 gốc mai quanh nhà.

Chị Thị Trúc Linh (39 tuổi), ngụ ấp Kinh Làng Đông là một trong những hội viên phụ nữ hiện có cuộc sống ngày càng khấm khá. Trước đây, chị Linh ở nhà nội trợ, phụ thuộc vào nghề đi biển của chồng. Sau khi trở thành hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Làng Đông, chị được tham gia sinh hoạt chi hội, được tư vấn, hướng nghiệp, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Năm 2023, trên cơ sở kiến thức được học cùng nguồn vốn 25 triệu đồng được hỗ trợ cho vay, chị mướn (thuê) 6 công đất để thực hiện mô hình trồng hoa màu. “Có vốn và am hiểu kỹ thuật, tôi trồng bưởi, quýt và dưa hấu, sau đó trồng một số loại hoa màu cho thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày, thời điểm chính vụ thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày”.

Bà Lái Thị Tật chăm sóc đàn lợn.

Bà Lái Thị Tật (60 tuổi), ngụ ấp Thới Đông, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trước đây thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn; gia đình bà trồng lúa trên diện tích 1,5ha, nhưng do đất thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên hay mất mùa, cuộc sống luôn thiếu thốn.

Năm 2018, bà được Hội Phụ nữ xã Thới Quản nhận ủy thác từ chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gò Quao cho vay 40 triệu đồng đầu tư nuôi lợn giống và lợn thịt. Sau lứa lợn đầu tiên, bà Tật thả nuôi nối tiếp các đàn lợn cho đến nay, mang về nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Trung bình, mỗi năm bà Tật xuất bán hơn 50 con lợn giống, khoảng 60 con lợn thịt, thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.

Bà Tật chia sẻ: “Nếu không có vay vốn ưu đãi, chắc vợ chồng tôi không dám đầu tư nuôi lợn và cuộc sống cũng không thoát khỏi nghèo khó. Bên cạnh được vay vốn, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu cung ứng lợn giống để trao cho hộ nghèo nên đầu ra ổn định”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang có hơn 2.000 hội viên là người dân tộc Khmer thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp đỡ hơn1.000 hộ hội viên phụ nữ Khmer nghèo và cận nghèo bằng nhiều hình thức trợ giúp thiết thực như: trao mô hình sinh kế; hỗ trợ vay vốn ưu đãi dưới hình thức bảo lãnh tín chấp từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tặng nhà “Mái ấm tình thương”; vận động thành lập các tổ hợp tác gắn với hỗ trợ hội viên phụ nữ về vốn, kỹ thuật, phương tiện sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trực tiếp quản lý 7 chương trình, dự án và hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn 2.300 tỷ đồng, với 60.700 lượt thành viên còn dư nợ. Tỉnh cũng thực hiện chương trình “Mỗi cơ sở giúp ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”. Hiện đã có 144 cơ sở đăng ký, giúp đỡ 341 hội viên phụ nữ.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ, nhất là ở cơ sở, lập sổ sách theo dõi quản lý hội viên phụ nữ Khmer nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, từ đó, xây dựng phương án và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Các cấp hội duy trì và phát triển các mô hình Tổ tín dụng tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, vốn nhàn rỗi trong hội viên.

Cạnh đó, các Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo và đặc biệt ưu tiên hội viên phụ nữ Khmer khó khăn; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tạo việc làm hiện có như: tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu, tổ may công nghiệp, tổ làm nhang, tổ may túi xách, tổ đan ghế mây, tổ làm khô.

Tuyên truyền hội viên phụ nữ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để tạo việc làm, cải thiện thu nhập. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy nghề, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm... giúp phụ nữ tiếp cận việc làm phù hợp với sở trường, nguyện vọng, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, đơn vị sẽ tăng cường vận động các nguồn lực trao tặng nhiều nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; tổ chức khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; duy trì thực hiện chương trình tiếp sức đến trường, tặng quà cho hội viên phụ nữ Khmer, nhất là các hộ ở vùng biên giới, hải đảo, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Quốc Trinh/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/kien-giang-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te-post844262.html

  • Từ khóa

Chạy đua xác thực sinh trắc học

Từ năm 2025, tài khoản ngân hàng, chứng khoán chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch
10:50 - 05/12/2024
25 lượt xem

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn ứng phó dịch cúm tại Bình Định

Ngay sau khi ghi nhận 4 ca tử vong tại Bình Định do cúm, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ đã họp trực tuyến khẩn với ngành y tế tỉnh Bình Định.
09:01 - 05/12/2024
92 lượt xem

Kiểm soát chặt nguồn gốc trái cây nhập khẩu

Hiện nay trái cây nhập khẩu không chỉ được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu, mà còn được bày bán tại các...
08:39 - 05/12/2024
79 lượt xem

Bí thư Hà Nội kỳ vọng Tô Lịch sẽ thành 'dòng sông thơ mộng'

Bí thư Thành ủy Hà Nội kỳ vọng đến tháng 9.2025, Tô Lịch sẽ trở thành dòng sông thơ mộng, nước không còn màu đen.
19:52 - 04/12/2024
407 lượt xem

42 tác phẩm xuất sắc sẽ được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về ‘tam nông’ năm 2024

Sau 4 tháng phát động và nhận được gần 1.950 tác phẩm hợp lệ tham dự, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần...
15:35 - 04/12/2024
508 lượt xem