240
/
170535
Sạt lở bủa vây, làm sao phòng tránh?
sat-lo-bua-vay-lam-sao-phong-tranh
news

Sạt lở bủa vây, làm sao phòng tránh?

Thứ 6, 04/10/2024 | 11:49:00
2,145 lượt xem

Sạt lở ngày càng tăng, diễn ra nhiều nơi, khó dự báo để phòng tránh. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và nhân mạng, sạt lở còn khiến hàng ngàn hộ dân năm này qua năm khác khó thể an cư

Vài ngày sau khi xảy ra những vụ sạt lở ở các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ khiến hơn 300 người chết và mất tích, chúng tôi quay lại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây từng xảy ra 2 vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người chết, nhiều người bị thương và mất tích.

Lũng Lỳ chưa hết bàng hoàng

Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Ca Thành, dẫn chúng tôi vào xóm Lũng Lỳ, nơi xảy ra vụ sạt lở hôm 9-9 khiến 9 người chết, nhiều người bị thương. Đoạn đường dài khoảng 13 km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu hàng trăm mét xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất, lún sập mặt đường.

"Sau đợt mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3 gây ra, đất đá trên đồi núi bị nhão. Mỗi lần đi vào xóm, đặc biệt là những ngày có mưa lớn, chúng tôi rất sợ, vừa đi vừa run vì không biết đất đá sạt xuống lúc nào" - ông Sao cho biết.

Tại xóm Lũng Lỳ, nhiều ngày sau trận sạt lở đất, khung cảnh vẫn tan hoang. Dưới chân đồi - nơi xảy ra vụ sạt lở, nhiều tài sản, đồ đạc của người dân vẫn còn bị vùi lấp dưới hàng ngàn khối đất đá. Không khí đau thương vẫn phảng phất ở xóm nghèo này, khi nhiều cháu nhỏ rơi vào cảnh mồ côi bố mẹ, những phụ nữ rơi vào cảnh mất chồng con...

"Quá khủng khiếp, chỉ trong giây lát, đất đá đã vùi lấp toàn bộ căn nhà của gia đình. Tôi may mắn sống sót nhưng con trai và con dâu đã mất. Giờ thương nhất là các cháu nhỏ, cùng lúc mất cả bố mẹ, không biết sắp tới bấu víu vào ai" - bà Triệu Mùi Lai nghẹn ngào.

Ông Hoàng Văn Me, trưởng xóm Lũng Lỳ, bày tỏ: "Mất mát của người dân là rất lớn. Giờ chỉ mong sao chính quyền sớm xây xong khu tái định cư để người dân có thể đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống".

Một phụ nữ ở Lũng Lỳ (Cao Bằng) lục tìm tài sản dưới lớp đất đá sau vụ sạt lở hôm 9-9Ảnh: ĐỨC NGỌC

Ám ảnh khôn nguôi ở Tà Rùng

Trở lại thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - nơi mà 4 năm trước, một vụ sạt lở ập đến đã cướp đi sinh mạng 7 người dân, trong đó có 1 thai phụ - chúng tôi cảm nhận sâu sắc những tổn thương dai dẳng mà thiên tai để lại, bất kể năm tháng dần qua đi.

Tôi cố kìm nén xúc động để quay lại cảnh người cha già bật khóc rưng rức khi trở lại nơi cả nhà con trai ông bị đất đá sạt lở vùi lấp. Bốn năm trước, nơi này từng có một mái nhà nhỏ, có đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc với 4 đứa con luôn miệng nói cười. Tất cả là con, cháu của ông Hồ Ra Lang. Nhưng nay, nơi này cỏ cây mọc um tùm, dấu tích căn nhà còn sót lại chỉ là một mảnh tường vỡ và gạch vữa ngổn ngang.

"Chiều 17-10-2020, mưa như nước trên trời trút xuống Tà Rùng. Quả đồi sau nhà con trai tôi bỗng nổ đùng, sạt xuống khiến cả gia đình nó không còn ai sống sót, kể cả cháu nhỏ nằm trong bụng mẹ…" - ông Ra Lang nén xúc động kể.

Những ngày qua, tin tức về những trận sạt lở đầy bi thương ở các tỉnh phía Bắc khiến vợ chồng ông Ra Lang càng nhớ đến con, cháu của mình. Dù không dư dả gì nhưng ông vẫn dành 500.000 đồng tích góp để đóng góp, sẻ chia khó khăn với đồng bào phía Bắc.

Trong trận sạt lở năm 2020 ở Tà Rùng, gia đình ông Hồ Văn Khâm cũng bị đất đá vùi lấp gần nửa căn nhà. Vợ chồng ông may mắn kịp chạy thoát thân.

"Bão số 4 vừa rồi, chúng tôi phải 2 lần sơ tán đến nơi an toàn để tránh trú. Ở Tà Rùng này, hễ nghe tin mưa bão là người dân ai cũng lo sợ và ám ảnh" - ông Khâm bộc bạch.

Ông Hồ Ra Lang (Quảng Trị) bật khóc khi thăm lại nơi cả nhà con trai ông bị đất đá sạt lở vùi lấpẢnh: ĐỨC NGHĨA

Lo lắng đến phát bệnh

Vừa trở về nhà sau đợt lánh nạn do lo sợ sạt lở núi Chợ Bùi ở xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, bà Đặng Thị Tình than thở: "Mấy năm nay, cứ mỗi lần trời mưa lớn là chính quyền đến yêu cầu di dời tới nơi ở tạm, hết mưa mới cho về. Ở đây nguy hiểm lắm, lo sợ quá nên tôi phát bệnh đau đầu, uống thuốc điều trị nhiều vẫn không khỏi".

Từ năm 2020, núi Chợ Bùi xuất hiện vết nứt kéo dài, đe dọa 13 hộ dân với gần 60 người sống ngay dưới chân núi. Cơ quan chức năng đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng chưa có động thái xử lý. Vì vậy, mỗi lần mưa lớn, người dân lại phải đến nhà văn hóa xóm, nhà người thân ở tạm. Nguyện vọng của các hộ dân là được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn.

"Nhà tôi ở ngay chân núi, phía trên xuất hiện nhiều vết nứt và có nhiều tảng đá lớn nên rất lo. Tôi tuổi già sức yếu, chồng thì bị liệt nằm một chỗ, nếu sạt lở xảy ra thì khó thoát nạn. Ở đây chúng tôi không ngày nào ăn ngon, ngủ yên" - bà Lê Thị Quy lo lắng.

Trước nguy cơ sạt lở tại núi Chợ Bùi, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã yêu cầu địa phương phải cảnh báo sớm và thường xuyên đến các hộ dân, để họ chủ động đề phòng. Địa phương cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết, vận động và giúp đỡ di dời người dân đến nơi an toàn khi mưa kéo dài và có nguy cơ sạt lở.

"Khi phương án di dời dân tới khu tái định cư mới chưa thực hiện được thì việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho bà con là ưu tiên hàng đầu" - ông Đệ nhìn nhận. 

Xây khu tái định cư: Nhu cầu bức thiết

Ông Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cho biết trên địa bàn huyện hiện có 45 điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, ảnh hưởng đến 2.600 người dân.

"Vấn đề bức thiết của huyện là huy động nguồn lực để xây dựng 8 khu tái định cư nhưng đến nay mới thực hiện được 3 điểm. Do đó, hàng ngàn người dân sống ở sườn núi, ven sông suối vẫn nơm nớp lo sợ nguy cơ sạt lở và lũ quét mỗi mùa mưa bão" - ông Thuận băn khoăn.


Cục Địa chất - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang điều tra, xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ chi tiết 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao.

Trong đó, tỉnh Quảng Trị được đánh giá có 17 khu vực rủi ro sạt lở đất, tập trung ở huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa; 5 khu vực có rủi ro sạt lở đất, lũ quét, tập trung ở huyện Đakrông. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã rà soát, bổ sung 17 khu vực rủi ro cao về sạt lở đất và 27 khu vực rủi ro sạt lở đất, lũ quét.

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An thống kê đến cuối tháng 9-2024, địa phương có 120 điểm sạt lở núi, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Những điểm sạt lở chủ yếu tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Đô Lương...


Phát hiện, ngăn ngừa "thảm họa Làng Nủ"

Yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng như các tỉnh vùng núi. Đây là một trong những nội dung được các nhà khoa học đề cập tại tọa đàm "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội vừa tổ chức.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để phát hiện sớm và phòng tránh "thảm họa Làng Nủ" ở các khu vực miền núi. Theo đó, trước mắt cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỉ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực rủi ro cao; xây dựng bản đồ rủi ro và các kịch bản ứng phó phục vụ quản lý, kiểm soát, bảo đảm an toàn với thiên tai trên các vùng đất dốc...

Về lâu dài, cần ưu tiên bảo đảm an toàn các khu vực tập trung dân cư; kiểm soát được tác động tiêu cực của nước mưa và nước mặt (thu - thoát nước mưa, nước mặt để giảm tải tác động nhân sinh lên đất dốc, trong một số trường hợp cần có cả thoát nước ngầm). Trước mỗi mùa mưa bão, cơ quan chức năng địa phương cần khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét tại khu vực mình; có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết...

Trước đó, trận lũ quét gây sạt lở kinh hoàng xảy ra sáng 10-9 tại thôn Làng Nủ đã làm 55 người chết, 12 người mất tích, 14 người bị thương.

H.Giang


Theo Đức Ngọc - Đức Nghĩa/ NLĐ

https://nld.com.vn/sat-lo-bua-vay-lam-sao-phong-tranh-196241003212049847.htm

  • Từ khóa

Bí thư Hà Nội kỳ vọng Tô Lịch sẽ thành 'dòng sông thơ mộng'

Bí thư Thành ủy Hà Nội kỳ vọng đến tháng 9.2025, Tô Lịch sẽ trở thành dòng sông thơ mộng, nước không còn màu đen.
19:52 - 04/12/2024
181 lượt xem

42 tác phẩm xuất sắc sẽ được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về ‘tam nông’ năm 2024

Sau 4 tháng phát động và nhận được gần 1.950 tác phẩm hợp lệ tham dự, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần...
15:35 - 04/12/2024
285 lượt xem

Lật tẩy chiêu trò "thổi giá" trong đấu giá đất

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiều chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các địa phương tổ chức đấu giá đất...
12:57 - 04/12/2024
338 lượt xem

Từ 2025, bắt buộc đăng ký thường trú cho trẻ sau tối đa 60 ngày khai sinh

Kể từ ngày 10.1.2025, trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh, cha mẹ phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho con.
11:17 - 04/12/2024
384 lượt xem

Hà Nội tính cho thuê vỉa hè 123 tuyến phố 20.000 - 40.000 đồng/m2/tháng

Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với UBND 16 quận, huyện tiến hành khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố để phục vụ kinh doanh, phát triển...
10:38 - 04/12/2024
408 lượt xem